Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 đã được Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 26/11. Trong buổi sáng đã diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế". Buổi chiều có 2 hội thảo chuyên đề “Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistics”.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Kết cấu hạ tầng logistics thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, do nhiều nguyên nhân như: Hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt, ... làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Từ mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 với 05 nhóm nhiệm vụ chính, đó là Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics & Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các DNNVV thuận lợi với việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường đào tạo, tiếp cận thông tin. Chúng ta phải sớm hoàn thành và xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics, chỉ rõ “điểm nút” trong chi phí logistics để tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tạo ra “bước nhảy” phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam… Cần có các giải pháp phù hợp để phát triển thị trường dịch vụ logistics Việt Nam...".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia, phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương tới địa phương để kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19 phục hồi kinh tế.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách và thực thi các Hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP; giúp doanh nghiệp tham gia hội nhập và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ nhằm triển khai tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, trong đó có việc phát triển hạ tầng dịch vụ logistics. Bởi, việc cắt giảm chi phí logistics chính là giải pháp giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời phục hồi đà tăng trưởng bị sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Cơ sở hạ tầng của logistics chúng tôi cũng sẽ báo cáo Chính phủ để cùng với Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế chính sách để từ QH tổng thể và quy hoạch đất đai sẽ phải có hướng dẫn và có khung khổ pháp lý để đảm bảo điều kiện tiếp cận về nguồn lực đất đai và các hạ tầng khác cho các DN logistics để đầu tư phát triển để phù hợp với QH logistics cũng như QH giao thông và QH thương mại của cả nước..."./.
Nguyên Long/VOV.VN