Trung tâm ra đời nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Australia giai đoạn sau đại dịch.
Khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại Australia, mọi hoạt động kinh tế-xã hội đang từng bước được nối lại trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh này, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt-Australia được ra đời nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Australia giai đoạn sau đại dịch.
Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia đã phỏng vấn ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA).
PV: Dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều khó khăn cho các DN. Điều gì đã thôi thúc ông thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt-Australia vào thời điểm này?
Ông Trần Bá Phúc: Việc thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt-Australia tại thành phố Melbourne, dự tính khai trương Trung tâm trong năm 2020 đã được bàn thảo từ hồi tháng 11/2019, trong thời gian UBND TP HCM phối hợp với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cùng tổ chức Ngày hội hàng Việt Nam tại Australia 2019 (đã tổ chức tại Melbourne ngày 26 & 27/11/2019).
Ông Trần Bá Phúc (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp HCM (thứ hai từ trái sang) và ông Trịnh Đức Hải (ngoài cùng bên phải)-Tổng lãnh sự tại Sydney.
Vì tình trạng Covid-19 xảy ra nên kéo dài, đến bây giờ mới vừa hoàn tất xong cơ sở của trung tâm. Sau khi tổ chức ngày hội hàng Việt Nam tại Australia 2019 thành công, một số DN Việt Nam trong nước nhận thấy, thị trường Australia là một trong những thị trường tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam.
Các DN đã bày tỏ, muốn thúc đẩy mạnh xuất khẩu, cần phải cần có một trung tâm xúc tiến thương mại. Nơi đây sẽ trưng bày thường xuyên các mặt hàng sản phẩm Việt Nam. Trung tâm cũng có vai trò cầu nối giữa các DN trong nước với các DN và nhà phân phối tại Australia.
DN trong nước luôn tìm kiếm các thị trường tiềm năng ở nước ngoài để xuất khẩu hàng Việt Nam, trong khi Australia là một thị trường có rất nhiều tiềm năng, với ưu thế là có một cộng đồng người Việt đông đảo với hơn 320.000 người đang sinh sống, và cũng là cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở nước ngoài. Hàng năm có khoảng trên 28.000 du học Việt Nam đến Australia du học.
Với mong muốn được làm vai trò cầu nối để thúc đẩy và hỗ trợ hàng xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Australia nhiều hơn, tạo cho DN trong nước có ngay một chỗ trưng bày hàng Việt Nam, điều này đã thôi thúc tôi phải thành lập trung tâm để chuẩn bị và tiến hành hoạt động ngay hậu Covid 19.
PV: Vậy trong thời gian tới Trung tâm có kế hoạch gì để thAustralia đẩy hoạt động kinh tế thương mại giữa Australia và Việt Nam, thưa ông?
Ông Trần Bá Phúc: Trong thời gian tới, VBAA sẽ liên lạc với các DN xuất nhập khẩu và các trung tâm phân phối hàng nhập khẩu tại Australia để ký hợp đồng. Điều này giúp đưa một số mặt hàng Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Australia vào các hệ hống siêu thị và các cửa hàng bán lẻ rộng rãi trên toàn Australia.
Khai trương trung tâm ngay sau khi dịch Covid 19 được kiểm soát, để trưng bày các mặt hàng Việt Nam do các DN trong nước đưa sang. Đồng thời, trung tâm cũng giới thiệu các DN là nhà sản xuất trong nước, ký kết hợp đồng trực tiếp với các nhà phân phối hay DN đầu mối mua sỉ tại Australia.
Tiếp sau đó, trung tâm sẽ tiếp tục kết nối các DN trong nước và doanh nghiệp tiềm năng tại Australia với nhau, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển đầu tư kinh doanh; Tổ chức triễn lãm hàng hóa Việt chất lượng cao, hội thảo về cơ hội kinh doanh và tiềm năng xuất nhập khẩu; giới thiệu một số mặt hàng mới của Việt Nam với các trung tâm phân phối lớn và DN mua sỉ tại Australia, để ký kết thêm những hợp đồng nhập hàng Việt Nam vào thị trường Australia.
Đồng thời, trung tâm cũng sẽ tiếp tục tổ chức những ngày quảng cáo cho các mặt hàng nông sản và trái cây Việt Nam với thị trường Australia tại các chợ đầu mối.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Australia?
Ông Trần Bá Phúc: Tôi đánh giá và nhận định rằng, việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Australia có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Điều này có cơ sở dựa trên sự phát triển quan hệ về ngoại giao, thương mại giữa hai nước đã có và và vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển.
Hiện nay, Australia là quốc gia chi khoảng 600 tỉ USD hàng năm để nhập hàng hóa từ mọi nơi trên thế giới. Trong khi đó, kim nghạch xuất nhập khẩu giữa Australia và Việt Nam chỉ chiếm khoảng 7 tỉ USD (trong đó giá trị hàng hóa Việt Nam nhập vào Australia chỉ khoảng 3,8 tỉ USD). Có thể thấy, Australia là thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng đối với hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Australia là một cộng đồng sắc tộc lớn nên có nhiều nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam.
Hiện tại Australia và Việt Nam là hai quốc gia đã ký kết trong hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương CPTPP và mới đây là Hiệp định RCEP. Hai hiệp định này tháo gỡ nhiều rào cản để hàng hóa Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường Australia.
Tôi cho rằng đây chính là thời cơ mà doanh nghiệp hai bên cần nắm bắt để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt-Australia sẽ tích cực tham gia vào quá trình này./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Việt Nga/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thanh-lap-trung-tam-xuc-tien-thuong-mai-va-dau-tu-viet-australia-822995.vov