Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch hành động triển khai chi tiết các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may, da giày,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến CNHT; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 6/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ sản xuất được các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao vào năm 2025. (Ảnh minh họa)
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch hành động triển khai chi tiết các nhiệm vụ đặt ra, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT và Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 để phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển CNHT thực tiễn hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương xây dựng các chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn, nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển ngành CNHT nội địa và thu hút đầu tư như xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035; sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước; xây dựng Nghị định về phát triển ngành cơ khí trọng điểm.
Đặc biệt, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 2 Trung tâm này đang kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL.
Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nhieu-chinh-sach-moi-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-822860.vov