Sau những ngày tranh thủ vươn khơi bám biển, ngư dân tại các tỉnh miền Trung trở về đều phấn khởi vì đánh bắt sản lượng cao.
Sau 10 ngày vươn khơi, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Hướng (ở xã Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) mang về khoảng 550 con cá thu, nặng 1,7 tấn.
Anh Hướng cho biết, từ đầu năm đến nay, đây là một chuyến đầu tiên đạt sản lượng cao như thế: “Sản lượng cũng được khá, nhưng giá cả hơi thấp, bán không ăn thua. Chuyến vừa rồi tôi mang về được 1,7 tấn cá thu, nhưng cá xuống giá thì bán ra chỉ được tầm 220 triệu đồng mà chi phí hết 120 triệu, còn lời 100 triệu đồng”.
Những con cá thu tươi ngon.
Theo các ngư dân, hiện đang là mùa biển động nhưng ngư trường có nhiều loại cá giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá khoai, cá hố… nên ngư dân tranh thủ đánh bắt gần bờ. Ngư dân được mùa, các dịch vụ trên cảng cũng có việc làm, thu nhập. Trung bình mỗi ngày, mỗi tiểu thương tại Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang mua được từ 2 đến 3 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá thu. Tuy nhiên, do giá bán ra thị trường thấp nên hầu như phải bảo quản đông lạnh hoặc chấp nhận bán giá rẻ để cân đối.
“Tàu vào thì tôi cũng mua được 3 đến 5 tấn, nhưng cũng có ngày không có. Vì mấy tháng trước bão nhiều, nên năm nay làm ăn khó khăn. Cá thu hiện tại có giá 130.000/kg. Mấy năm trước có giá từ 160.000 – 170.000 đồng/kg Trung Quốc nhập. Năm nay, Trung Quốc không nhập nên bán chợ là rẻ”, chị Nguyễn Thị Cẩm, tiểu thương ở Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết.
Theo các ngư dân, hiện mùa này biển động nhưng lại đánh bắt được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng là cảng cá lớn nhất miền Trung với sức chứa khoảng 1.200 tàu, thuyền. Sau bão, nhiều tàu cá đã ra khơi khai thác đạt sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Lại, Phó Trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng cho biết, Ban Quản lý phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định về “chống khai thác bất hợp pháp”, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động khai thác trên biển.
Ngư dân tranh thủ bán cá ngay khi cập cảng.
“Ban Quản lý cũng tổ chức hỗ trợ cho tàu, thuyền cập cảng, tiếp nhận nguyên liệu, cũng như làm các thủ tục, đẩy nhanh thủ tục cho tàu rời cảng, cập cảng cho nhanh; đồng thời giải quyết, bố trí mặt bằng thuận lợi, sắp xếp khoa học, linh hoạt cho tàu vào bán cá được nhanh hơn cũng như sớm tiếp nhận hậu cần để ngư dân tranh thủ bám biển”, ông Nguyễn Lại cho biết thêm./.
Phương Cúc/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-mien-trung-duoc-mua-ca-thu-823285.vov