Tại Hà Nội vừa diễn ra Lễ ký kết kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định UKVFTA).
Đàm phán Hiệp định FTA song phương này được kết thúc khi Vương quốc Anh và Việt Nam vừa kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Thỏa thuận này sẽ định hướng cho mối quan hệ song phương được tăng cường mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo cam kết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (UKVFTA) sẽ giữ nguyên các lợi ích trong quan hệ thương mại hiện tại giữa Vương quốc Anh với Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Theo đó, 99% thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định với những nền tảng cam kết và tiến bộ cao kế thừa từ hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định UKVFTA sẽ là động lực mới thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương và tạo sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của dịch bệnh cũng như phát huy quan hệ thương mại tốt đẹp trong thời gian qua, cùng hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Anh và Việt Nam.
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Qua việc cắt giảm thuế quan và những điều kiện ưu đãi mà phía Anh dành cho Việt Nam kể cả trong cắt giảm thuế quan cũng như hạn ngạch cho 14 mặt hàng co tính ưu tiên cao của Việt Nam sẽ mang lại những giá trị rất lớn, tiết kiệm khoảng 3.500 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm cho việc thâm nhập vào thị trường Anh.
Nhưng bên cạnh đó chúng tôi cho rằng hàng loạt những sản phẩm với các mặt hàng có tính bổ sung lẫn nhau giữa Việt Nam và Anh là rất lớn từ các sản phẩm của công nghiệp tiêu dùng cho đến các sản phẩm của nông sản hàng hóa thực phẩm… cũng như các sản phẩm của các ngành kinh tế mũi nhọn của Anh cũng sẽ có những thị trường lớn ở Việt Nam và chất lượng của đời sống nhân dân sẽ được đảm bảo nâng lên với những tiêu chuẩn rất cao của hàng hóa sản phẩm, dịch vụ từ nước Anh trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam".
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh, Elizabeth Truss khẳng định, thỏa thuận Thương mại tự do Vương quốc Anh-Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nước Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào đầu năm 2021.
Cùng đó, gia nhập CPTPP sẽ ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ của Vương quốc Anh với Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện để hai nước tăng cường mối quan hệ với 11 nền kinh tế năng động trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mang lại nhiều cơ hội cho Vương quốc Anh, cho nền kinh tế cũng như người dân Anh.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh, Elizabeth Truss cho biết: "Vương Quốc Anh rất vui mừng khi thời gian qua Việt Nam đã có sự ủng hộ rất mạnh mẽ việc Anh tham gia vào khu vực mậu dịch tự do rất quan trọng như CPTPP. Và, trong thời đại ngày nay khi một số quốc gia có xu hướng bảo hộ mậu dịch thì chúng ta cùng nhau tiếp tục cam kết thương mại tự do. Anh sẽ cùng với các đối tác đồng chí hướng như Việt Nam hiện thực hóa các vấn đề kinh tế thông qua thương mại tự do đem lại nhiều hứa hẹn, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi từ Covid-19".
Cũng theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss, dự kiến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Xin được nhấn mạnh rằng, với Hiệp định UKVFTA, 99% thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan (trong vòng 7 năm) bao gồm thuế đối với máy móc thiết bị và dụng cụ cơ khí-các sản phẩm đứng đầu trong danh mục hàng hóa Anh xuất khẩu sang Việt Nam và dược phẩm-đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Anh, như: quần áo, vải và giày dép… vốn là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam./.
Nguyên Long/VOV.VN