Chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung đang cần phương án sản xuất nông nghiệp thích ứng trong điều kiện thiên tai thường xuyên xảy ra.
Mưa lũ liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô rộng, cường độ mạnh gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Lũ chồng lũ” gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất bằng các giải pháp đồng bộ.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Phan Tạo, ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị làm đất, cải tạo ruộng vườn gieo trồng các loại rau ngắn ngày. Sau khi thu hoạch xong vụ rau này, ông Tạo sẽ có thêm chi phí để trồng vụ rau kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Phan Tạo cho biết, vừa qua, cán bộ nông nghiệp huyện đã hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, trước mắt là mở rộng sản xuất các cây rau màu vụ đông trên diện tích đất cao, không bị ngập lụt để tăng thu nhập, bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo ông Phan Tạo, trồng rau ngắn ngày, thu hoạch nhanh là giải pháp khôi phục sản xuất, nhanh chóng có vốn tái đầu tư cho mùa vụ.
Người trồng rau hy vọng thời tiết thuận lợi để thu hoạch vụ rau ngắn ngày.
“Tài sản chủ yếu là gia cầm, gia súc, cây trồng thiệt hại là nhiều, đặc biệt là giống. Vụ Đông Xuân đến, người sản xuất rất khó khăn về cây con giống. Trước khi nhà nước hỗ trợ thì mình cố gắng chuẩn bị trồng cây, rau màu, chuẩn bị các cây lương thực bù lại những phần bị mất do mưa lũ” - ông Tạo nói.
Sau các đợt mưa bão, lũ lụt liên tiếp, hơn 1.800 ha diện tích nuôi thủy sản các loại tại tỉnh Quảng Trị bị ngập, nước lũ cuốn trôi. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người nuôi tôm nên chỉ thả nuôi một vụ ăn chắc; nếu thả nuôi trái vụ thì ao nuôi phải có khả năng vượt lũ. Đối với nuôi tôm trên cát cần phải có ao chứa nước, hệ thống điện dự phòng vì vào mùa mưa bão, có thể xảy ra tình trạng mất điện, lượng mưa lớn, biển động mạnh… làm môi trường nước trong ao nuôi biến động.
Đối với nuôi cá lồng trên sông, cần lựa chọn những địa điểm phù hợp như đảm bảo độ sâu, dòng chảy, thả nuôi các đối tượng có thời gian sinh trưởng nhanh, thả giống kích cỡ lớn để có thể thu hoạch trước mùa mưa lũ.
Các lực lượng xung kích giúp đỡ nông dân cải tạo đồng ruộng sau mưa lũ.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chỉ đạo bà con tập trung thu dọn ao hồ do bùn đất, phù sa san lấp, sửa sang các mô tơ điện phục vụ nuôi trồng thủy sản. UBND xã đã kiến nghị với các cấp, đặc biệt các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho bà con gia hạn, khoanh nợ, khoanh lãi. Đề nghị có các chủ trương chính sách cho bà con vay vốn để tái sản xuất”.
Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề do các đợt lũ chồng lũ vừa qua ở miền Trung. Ngoài những thiệt hại về người, tài sản, đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng rất khó khôi phục. Nguồn giống cây trồng, vật nuôi bị thiếu hụt nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường khiến nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra. Ngay sau lũ, người dân tỉnh Quảng Trị đã cải tạo lại đồng ruộng bị bồi lấp để ổn định sản xuất vụ Đông Xuân. Tỉnh rà soát lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng trong điều kiện thiên tai thường xuyên xảy ra.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Những vùng đồng ruộng bị bồi lấp sâu có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu ngắn ngày.
“Chúng ta phải có 1 chương trình tổng thể, dài hạn trong đó ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, hướng đến sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững. Phát triển kinh tế xã hội gắn với phòng chống thiên tai, và trong chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng những gia đình ở vùng thấp trũng thường xuyên bị lũ lụt những căn nhà chống lũ để cất trữ tài sản, lương thực thực phẩm để họ chủ động ứng phó với thiên tai” - ông Hưng cho biết./.
Thanh Hiếu/VOV.VN