Phương thức bán hàng online được nhiều công ty thực hiện trong dịp Tết năm nay do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Do đa số người tiêu dùng có xu hướng mua hàng online và chọn những thực phẩm chế biến hay sơ chế sẵn để ít tốn thời gian nấu nướng, nên Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cũng chuẩn bị nhiều hơn những mặt hàng này để cung cấp cho thị trường. Công ty mở thêm một số kênh bán hàng online để hạn chế việc tập trung đông người mua sắm tết. Hàng hóa được giao trong vòng 2 giờ sau khi đặt mua.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc VISSAN cho biết, tại các cửa hàng, thông tin về sản phẩm được phát trên hệ thống loa nhằm hạn chế việc giao tiếp trực tiếp.
“VISSAN chúng tôi tăng cường bán hàng thương mại điện tử. Chúng tôi mở đường dây nóng, bán hàng qua website bán hàng và cũng thông qua một số trang thương mại điện tử để bán hàng" - ông Phan Văn Dũng nói.
Khách hàng đang lựa chọn thịt lợn tại cửa hàng.
Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng đang được nhiều doanh nghiệp chú ý hơn bao giờ hết. Dịp Tết này, Công ty TNHH Tân Minh Quang (Bidrico) chuyên sản xuất các loại nước giải khát đóng chai tăng thêm 10-15% sản lượng.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico cho biết, để tăng cường phòng ngừa dịch bệnh, tất cả các xe chở nguyên liệu khi vào nhà máy đều được khử trùng. Phòng làm việc khu vực sản xuất thường xuyên được sát khuẩn. Tại nhà ăn của công ty, vị trí các chỗ ngồi được giữ khoảng cách an toàn. Bên cạnh tăng cường bán hàng online, doanh nghiệp đã chuẩn bị thêm phương tiện để giao hàng nhanh trong mùa Tết.
“Nếu giao hàng online thì chúng tôi có khoảng 70 xe tải để giao hàng trực tiếp cho các cửa hàng và nhà phân phối. Còn giao tại nhà cho khách hàng ở tỉnh thì chúng tôi hợp đồng xe bên ngoài hoặc nhờ các đơn vị logistics giúp chúng tôi giao hàng" - ông Nguyễn Đặng Hiến nói.
Sát trùng xe chở hàng hóa ra vào nhà máy để phòng chống Covid-19.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Tết năm nay, doanh nghiệp không tổ chức hoạt động bán hàng tập trung như phiên chợ tết hay hội chợ xuân… Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị hệ thống kho, phương tiện vận chuyển … để việc giao nhận hàng hóa online nhanh chóng, ưu tiên cao nhất là phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, chỉ cần 1 nhân viên nhiễm bệnh thì toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
“Có những hình thức phân phối hàng hóa trước đây không sử dụng thì bây giờ lại trở thành cách thức phù hợp và thích ứng điều kiện mới, có doanh nghiệp bán hàng bằng xe bán hàng lưu động, những hệ thống xe nhỏ để chở hàng xuống từng điểm. Việc phân phối hàng cũng phải điều chỉnh phù hợp hơn” - ông Chu Tiến Dũng cho biết.
Tết là mùa “làm ăn” của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, việc tìm ra hướng đi phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trước mắt./.
Lệ Hằng/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-day-manh-ban-hang-tet-online-824109.vov