Lô hàng miến dong đầu tiên của Hợp tác xã Tài Hoan, tỉnh Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu hồi tháng 8 vừa qua.
Cho đến nay, câu chuyện về mặt hàng nông sản của hợp tác xã nhỏ bé tại một tỉnh miền núi xa xôi vươn tới trời “Tây” luôn là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Sự kiện này cũng tiếp thêm cảm hứng, động lực cho những hợp tác xã, những doanh nghiệp chế biến nông sản tỉnh Bắc Kạn mạnh dạn, tự tin trên con đường chinh phục thị trường.
Sau 2 tháng trở thành “hiện tượng” kinh tế ở Bắc Kạn khi có lô hàng đầu tiên vượt biển sang châu Âu, lượng khách đến với Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan cũng nhiều hơn, đó là các đoàn doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đến để học hỏi kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác.
Ngày 13/08/2020, lô miến dong đầu tiên của Bắc Kạn được chuyển lên xe để bắt đầu hành trình sang châu Âu.
Với chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Miến dong Tài Hoan, thành công này có được là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu và mạnh dạn tìm tòi. Và có lẽ cũng ít ai có thể nghĩ, người phụ nữ dân tộc Tày nhỏ bé nhưng đầy nghị lực này lại có thể giúp sản phẩm miến dong Bắc Kạn thành công như vậy.
"Trước khi sản phẩm sang được bên đó thì là cả một chặng đường rất dài, chuẩn bị đến 5-6 tháng. Thứ nhất về quy trình sản xuất thì vùng nguyên liệu phải là nguyên liệu sạch, sản phẩm phải đồng bộ, trong quá trình sản xuất phải theo chuỗi khép kín. Nữa là bao bì phải chuẩn chỉnh cẩn thận, bên châu Âu họ duyệt mẫu mã sau đó đưa về mình mới in mẫu mã, bao bì cho phù hợp" - chị Hoan chia sẻ.
Với quyết tâm tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm địa phương, năm 2018 chị Nguyễn Thị Hoan đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã trên cơ sở mô hình sản xuất của gia đình. Chị bắt đầu xây dựng thêm nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị để nâng cao công suất, sản lượng cũng như chất lượng. Trước đây những gói miến vốn chỉ biết đến với những bó buộc lạt tre, sau hiện đại hơn thì có thêm chiếc túi ni lông mỏng in địa chỉ sản xuất sơ sài.
HTX miến dong này đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động thường xuyên tại địa phương.
HTX Miến dong Tài Hoan đã mạnh dạn, tiên phong trong việc đóng gói, in bao bì tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm. Thay vì làm cách truyền thống là đợi khách hàng tìm đến với mình, chị Hoan cùng những thành viên hợp tác xã mạnh dạn theo chân các đoàn xúc tiến đầu tư của Bắc Kạn tổ chức đi khắp các hội chợ, khắp các siêu thị, đại lý lớn trong nước. Và trong một chuyến đi như thế, Miến dong Tài Hoan đã gặp được một đơn vị xuất khẩu nông sản sang châu Âu.
Chị Nguyễn Thị Hoan cho hay: "Ngoài chất lượng mình còn phải có các kênh riêng mà bây giờ gọi là công nghệ 4.0, có những trang thông tin điện tử, website, facebook, ứng dụng bán hàng… cũng thông qua một số kênh nữa để mọi người biết đến nhiều hơn. Bản thân tôi cũng đã đi dự các lớp tập huấn nhiều lần nên học hỏi được nhiều điều về cách đưa các sản phẩm của mình lên các sàn điện tử".
Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Miến dong Tài Hoan giới thiệu sản phẩm với khách tham quan.
Để có đủ nguồn nguyên liệu, Hợp tác xã đã ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho hơn 500 hộ dân của 5 xã trong huyện. Đồng thời các trang thiết bị cũng được nâng cấp, nhà xưởng mở rộng để cho những bước tiến dài hơn. Tất cả thực hiện theo một quy trình khá quy củ, từ sơ chế, làm bột, phơi miến đến đóng gói đều chia thành khu riêng biệt.
Khu vực phơi miến cũng được đầu tư hệ thống nhà lưới nhằm đảm bảo tránh bụi, côn trùng. Hiện công suất nhà máy đã nâng lên từ 6 tạ sản phẩm một ngày khi mới thành lập lên 1,5 – 2 tấn/ ngày.
Chị Nguyễn Thị Huế, Thành viên HTX Miến dong Tài Hoan cho biết: "Sau khi sản phẩm xuất sang Châu Âu đơn vị cũng được rất nhiều người ủng hộ, thị trường mở rộng hơn rất nhiều. Người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thu nhập của anh em ổn định hơn. Tất cả anh em công nhân cũng phấn khởi, các thành viên hợp tác xã cũng an tâm vì mình không phải đi làm ăn xa, có thể ở nhà chăm sóc gia đình mà vẫn có thu nhập ổn định".
Còn ông Sằm Văn Cử, thôn Chè Cọ, xã Côn Minh, huyện Na Rì phấn khởi khi lô miến dong đầu tiên đi châu Âu. Đây không chỉ là niềm hãnh diện của HTX mà còn là niềm vui chung của những người nông dân Côn Minh.
Miến dong tìm được thị trường mới cũng là niềm vui, tự hào với người dân Côn Minh. Hiện nay phần lớn người dân đều được các Hợp tác xã ký cam kết bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất.
"Tôi rất tự hào, phấn khởi vì bà con nông dân có cây nông nghiệp mà làm, ở đây ngoài cây dong thì bà con cũng không biết làm cây gì. Nông sản xuất khẩu, rồi đầu ra ổn định thì bà con ở đây cũng được nhờ" - ông Cử bày tỏ.
Ít người dám nghĩ một sản phẩm nông sản phổ thông như miến dong của một hợp tác xã ở miền núi lại có thể vươn tới thị trường khó tính như châu Âu. Nhưng chính "kỳ tích" đó đã tiếp thêm động lực và sự tự tin cho không chỉ hơn 240 hợp tác xã của Bắc Kạn mà còn hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã trong cả nước. Đây cũng là bài học về cách đầu tư quy mô, bài bản và chú trọng về chất lượng sản phẩm.
Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn cho rằng: "Có sản phẩm được thị trường Châu Âu đón nhận thì đây là vinh dự lớn cho cả tỉnh Bắc Kạn và ngành hàng miến dong. Bởi vì trước đây và kể cả sau này đây vẫn là sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi với các hợp tác xã, để đủ sản lượng hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn thì cần nỗ lực rất nhiều, thứ hai nữa là đòi hỏi ngặt nghèo về các yếu tố khác, trong đó cần làm tốt khâu giám sát chất lượng sản phẩm. Hiện nay thế hệ trẻ làm giám đốc hợp tác xã họ cũng đã nhìn nhận ra vấn đề và đang tập trung, cố gắng để thực hiện".
Mặc dù những sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chưa phải nhiều, nhưng đó là sự khởi đầu đầy triển vọng cho nông sản Bắc Kạn nói riêng, các sản phẩm mang thương hiệu OCOP nói chung. Đồng thời cũng cho thấy, nếu có cách làm bài bản cùng sự nỗ lực, quyết tâm thì các hợp tác xã quy mô nhỏ hoàn toàn có thể tạo ra những thành công như HTX Miến dong Tài Hoan đã làm được./.
Công Luận/VOV.VN