Các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vì sao chưa có tác dụng?

Chủ nhật, 27.12.2020 | 16:07:55
394 lượt xem

Gần 100 văn bản từ cấp trung ương đến địa phương, quy định về các chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế - phí - lệ phí, vốn - tín dụng, lao động - bảo hiểm xã hội.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, theo thống kê, có tới 96% số doanh nghiệp Việt Nam bị tác động, ở các mức độ khác nhau. Đến hết tháng 11, có 93.490 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 44.440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngay từ quý 1 và đầu quý 2, các "gói" hỗ trợ của Chính phủ, từ chính sách tài khóa và tiền tệ như: Giãn nộp thuế, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp là khá kịp thời. Nhưng, những gói hỗ trợ trực tiếp, trong lúc doanh nghiệp thực sự cần “cấp cứu” lại gần như ách tắc. Đây là vấn đề cần được thẳng thắn nhìn nhận để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, đã có đến gần 100 văn bản từ cấp trung ương đến địa phương, quy định về các chính sách hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như giá dịch vụ, tiền thuê đất, thuế - phí - lệ phí, vốn - tín dụng, lao động - bảo hiểm xã hội. Có thể nói, phản ứng của Chính phủ là kịp thời và bám sát tình hình thực tế.

Vậy, tại sao rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ? Vấn đề là ở 2 chữ “quy trình”.

Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Tính đến tháng 10, gói hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, tương ứng 17,7% - một tỷ lệ rất thấp. Hay như đối với gói vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động, mới chỉ có hơn 40 doanh nghiệp được vay, tính đến cuối tháng 11 vừa qua.

“Cần thiết nhất của doanh nghiệp hiện nay là được hỗ trợ các khoản vay, khấu trừ thuế và hỗ trợ về thị trường. Hiện nay, với các doanh nghiệp khác thì tôi không rõ nhưng với doanh nghiệp của tôi thì chưa tiếp cận được gói hỗ trợ nào” - một doanh nghiệp cho biết.

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01, tạo hành lang pháp lý rộng để tổ chức tín dụng có thể cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới đối với khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay. Cùng với đó, các ngân hàng cũng thực hiện giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại.

Theo báo cáo của hệ thống các tổ chức tín dụng, thời gian qua, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 171.000 khách hàng với dư nợ hơn 128.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.000 khách hàng với dư nợ 28.400 tỷ đồng. Đặc biệt, từ tháng 4/2020, phần lớn các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số ngân hàng thương mại như VietinBank, Vietcombank, Techcombank… đã hạ lãi suất vay vốn cho khách hàng từ 2,5% - 4%/năm.

Mặc dù vậy vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Điều này cho thấy, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương là chưa đồng bộ, cần được khắc phục trong thời gian tới, bởi việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay yêu cầu cấp bách. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ là nặng nề nhất. Trong khi đó, có đến 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Hai lý do chính dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện và không có thông tin về chính sách.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: “Tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế thì kể cả doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các tập đoàn lớn cũng đang gặp khó khăn. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi mong muốn tăng quy mô, các đối tượng và số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng các gói hỗ trợ”.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới cần được thực hiện linh hoạt, tạo ra động lực để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải rời khỏi thị trường. Tất cả vì mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế đất nước.

“Tác động tích cực nhất của các gói hỗ trợ là tạo ra được sự trấn an, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ và năng lực và sự phản ứng kịp thời về chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì tổng cầu cũng như năng lực cạnh tranh và sức sống cho doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này cần phải tiếp tục được nhận diện, có sự điều chỉnh và thực hiện sao cho sát thực, phù hợp, đảm bảo mục tiêu, tránh thất thoát và tránh sự cứng nhắc, giáo điều trong thực thi” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Trong khi dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp thì nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Những giải pháp linh hoạt, cụ thể cần được thực hiện để tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn là tạo niềm tin của doanh nghiệp vào một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, tạo nên một khí thế mới trong bối cảnh đầy thử thách như hiện nay. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.


Thành Trung/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/cac-goi-ho-tro-doanh-nghiep-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-vi-sao-chua-co-tac-dung-826796.vov

  • Từ khóa