Lộc Bình: Đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến lâm sản

Thứ 3, 29.12.2020 | 15:49:08
875 lượt xem

Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng, những năm gần đây, huyện Lộc Bình đã tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Lộc Bình có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên 71.000 ha, trong đó, diện tích đất có rừng chiếm khoảng 90%. Với lợi thế đó, hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng; giao chỉ tiêu và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng rừng kinh tế. Nhờ đó mỗi năm, trung bình huyện đã trồng được 1.200 ha rừng. Năm 2020, diện tích trồng rừng mới trên địa bàn huyện đạt 1.235,47 ha, vượt 2,9% kế hoạch.

Sản xuất gỗ ép trên địa bàn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, diện tích rừng sản xuất toàn huyện đạt khoảng 53.000 ha, trong đó, bà con chủ yếu trồng thông mã vĩ (chiếm 63% tổng diện tích đất có rừng), tập trung tại các xã: Lợi Bác, Tam Gia, Tĩnh Bắc, Nam Quan, Ái Quốc; còn lại là rừng trồng keo, bạch đàn, tập trung tại xã: Yên Khoái, Hữu Khánh, Tú Đoạn… Năm 2020, toàn huyện khai thác 10.500 m3 gỗ (đạt 210,12% kế hoạch), khai thác nhựa thông đạt trên 10.200 tấn (đạt 204,32% kế hoạch).

Nhựa thông, gỗ keo, bạch đàn được các công ty, cơ sở chế biến gỗ thu mua chế biến ngay trên địa bàn. Chính vì vậy, nghề rừng trong thời gian qua không chỉ tạo ra việc làm cho hàng nghìn hộ dân mà còn nâng cao thu nhập cho người dân. Bà Lộc Thị Tròn, thôn Pò Lèn B, thị trấn Lộc Bình cho biết: Năm 1996, gia đình tôi được hỗ trợ trồng gần 2 ha rừng thông theo dự án Việt – Đức. Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch gần 1 tấn nhựa thông, thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.

Để phát huy hiệu quả kinh tế rừng, UBND huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 2 công ty sản xuất các sản phẩm được chế biến từ nhựa thông xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, với công suất trung bình 45 tấn/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 12 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ làm đồ gia dụng.

Bà Nông Thị Hường, chủ xưởng bóc gỗ xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình cho biết: Xưởng chúng tôi hoạt động được 3 năm, công suất trung bình một ngày từ 15 đến 20 m3 gỗ. Để chủ động nguồn nguyên liệu, chúng tôi liên kết sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các gia đình trồng rừng trên địa bàn xã. Hiện nay, xưởng tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương 7 đến 15 triệu đồng/người/tháng, tùy trình độ tay nghề và tính chất công việc.

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết thêm: Việc đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến lâm sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiêu thụ sản phẩm, ổn định về giá cả, song song với đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, giá trị kinh tế trong lĩnh vực chế biến lâm sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do thiếu nguồn nguyên liệu. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp có hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chế biến, sản xuất liên kết chặt chẽ với người dân trồng rừng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp.


THUỲ DUNG/BAOLANGSON.VN

http://baolangson.vn/kinh-te/333289-loc-binh-day-manh-trong-rung-gan-voi-che-bien-lam-san.html

  • Từ khóa