VN-Index được nhiều nhóm phân tích đặt kỳ vọng tăng tiếp, nhưng xung lực lẫn chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất sẽ không lớn như năm ngoái.
Chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2020 với hai gam màu sáng tối rõ rệt. Covid-19 khiến nhà đầu tư hoảng loạn, đẩy thị trường vào cú sốc chưa từng có khi mất 330 điểm chỉ sau hai tháng. Nhưng cũng nhờ Covid-19 mà dòng tiền nhàn rỗi của những nhà đầu tư ít kinh nghiệm ồ ạt đổ vào, trở thành động lực vực dậy thị trường với tốc độ nhanh chóng.
Ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, khi nhìn lại, không mấy ai tin rằng thị trường chứng khoán có thể tích cực như hiện tại. VN-Index chốt phiên cuối cùng tại vùng giá cao nhất của năm là 1.103,87 điểm, tăng 14,86% so với đầu năm.
"Nhà điều hành, công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư trên thị trường hết ngày 31/12 có thể nổ champagne ăn mừng vì một kết thúc có hậu cho tất cả", ông nói, "Thế nhưng năm nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác".
Covid-19, yếu tố tác động lớn nhất đến thị trường, chưa lắng dịu là nguyên nhân chính đáng để những ai theo dõi thị trường băn khoăn về xu hướng thị trường sắp tới.
Ông Tân cho rằng, nhiều khả năng thế giới vẫn không thể giải quyết dứt điểm Covid-19 ngay trong năm nay. Các ngân hàng trung ương vì thế phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng nguồn cung tiền để hỗ trợ cho kinh tế. Điều này cộng thêm những lợi thế từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tác động ngày càng sâu rộng sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định kinh tế trong nước hồi phục khi Covid-19 được kiểm soát tốt sẽ là trụ đỡ cho đà tăng bền vững của thị trường. Lãi suất được duy trì ở mức thấp giúp chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời hấp dẫn, thu hút dòng vốn trong nước. Bên cạnh đó, thị trường còn thêm một số yếu tố hỗ trợ như có thể được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai và MSCI đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT bổ sung tiềm năng tăng giá của VN-Index còn đến từ việc vaccine có thể được triển khai đại trà sớm.
Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng kinh tế toàn cầu và lợi nhuận của các công ty niêm yết trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến là rủi ro có thể chặn đứng đà tăng của chỉ số. Trên cơ sở này, đại diện VNDIRECT kỳ vọng chỉ số có thể chạm mốc 1.180 vào cuối năm.
Trong khi đó, chuyên gia của VDSC cho rằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn (P/E khoảng 16,9x) so với các nước trong khu vực châu Á. Nhóm này lo ngại các yếu tố địa chính trị và việc Mỹ dán nhãn Việt Nam "thao túng tiền tệ" có thể làm ảnh hưởng tâm lý chung, nhưng vẫn tự tin VN-Index sau khi vượt ngưỡng 1.000 điểm sẽ nương theo diễn biến của vaccine, lãi suất, dòng tiền để dao động trong vùng 1.029-1.271 điểm.
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá điện tử tại sàn giao dịch VNDIRECT. Ảnh: Quỳnh Trần.
Với góc nhìn thận trọng hơn, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VCBS cho rằng triển vọng và quy mô thị trường vẫn theo chiều hướng tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ bị hạn chế. Nguyên nhân vì hầu hết yếu tố hỗ trợ như thông tin thử nghiệm vaccine đạt hiệu quả cao, dòng tiền khỏe... đã xuất hiện trong nửa cuối năm 2020 và hiệu ứng có thể suy yếu dần trong thời gian tới.
VCBS cho rằng VN-Index sẽ hình thành xu hướng vận động quanh một nền giá cao và chênh lệch giữa mức cao nhất với thấp nhất trong năm bị thu hẹp vào khoảng 20-150 điểm thay vì hơn 440 điểm như năm ngoái. "Mức cao nhất trong năm có thể tăng khoảng 8-12%", báo cáo của nhóm phân tích này viết.
Cũng nhận định thị trường năm nay tương đối lạc quan, nhưng ông Trần Thanh Tân lại cho rằng nhà đầu tư đang đứng trước các giai đoạn nhạy cảm. Nếu việc tiêm chủng vaccine hiệu quả và kinh tế bật dậy mạnh mẽ thì các chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2021 có thể thay đổi, dẫn đến động lực tăng trưởng của VN-Index mất dần. Do đó, ông Tân khuyến nghị nhà đầu tư hết sức bình tĩnh, đầu tư cẩn trọng và biết chính xác mục tiêu để hiện thực hóa lợi nhuận.
Tương tự, chuyên gia của VDSC cũng cho rằng nhà đầu tư nên cân nhắc và chọn lọc cơ hội đầu tư thật kĩ lưỡng bởi dòng tiền dồi dào (thể hiện qua thanh khoản một số phiên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng) trong thời gian qua đã đẩy một số cổ phiếu tăng nóng. Hơn nữa, chỉ số tăng nhanh cũng kích thích các nhà đầu tư cá nhân và có kinh nghiệm sử dụng công cụ margin, kéo theo rủi ro lớn nếu thị trường xoay chiều.
Phương Đông/vnexpress.net
https://vnexpress.net/chung-khoan-nam-nay-se-dien-bien-the-nao-4214733.html