Cảnh báo hàng giả, hàng nhái bán qua mạng ngày càng tinh vi

Thứ 4, 06.01.2021 | 00:00:00
531 lượt xem

Nhiều người tiêu dùng mất tiền oan khi nhận được hàng mua qua mạng không đúng chất lượng như quảng cáo của người bán hàng. Tuy nhiên, người dùng không biết kêu ai khi xảy ra các sự cố về hàng hóa và tiền bạc.

Nhiều ngày qua, chị Trần Hương Dịu (ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã liên tục liên hệ nhắn tin và gọi điện thoại đến chủ tài khoản Facebook "Hàng xuất xách tay" để đổi lại chiếc váy không đúng như cam kết chất lượng. Với tâm trạng còn nhiều nỗi ấm ức, chị Dịu chia sẻ, không phải mặt hàng nào cũng chuẩn như những lời quảng cáo mà rất nhiều shop, cá nhân đăng một kiểu, bán kiểu khác.

“Lợi ích của việc mua hàng online này có thể ngồi nhà mua được rất nhiều thứ. Tuy nhiên, có lúc mua phải hàng giả, hàng nhái. Tôi đã mua phải một cái váy của một thương hiệu nổi tiếng, nhưng khi nhận về lại thấy thương hiệu thì giống, in ấn thì cũng giống, nhưng chất liệu, đường may, một số chi tiết… thì rất khác so với hàng thực tế, song giá thành họ bán thì vẫn như hàng thật. Khi khiếu nại thì tôi cũng không nhận được phản hồi từ bên bán”, chị Dịu nói.

3 nhóm hàng hóa chính, gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng thường bị làm giả

Trường hợp của chị Trần Hương Dịu là một trong số hàng trăm vụ việc bán hàng có dấu hiệu "lừa đảo" trên các trang mạng xã hội. Đáng chú ý, các đối tượng kinh doanh hàng giả còn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc đặt tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái các trang bán sản phẩm thật. Thậm chí để tạo niềm tin của khách hàng, các đối tượng còn làm giả hồ sơ, tài liệu để gian lận thương mại, nhập lậu hàng giả từ nước ngoài về Việt Nam như: chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), chứng nhận kiểm dịch chuyên ngành, giấy uỷ quyền thương mại… Do đó, việc hàng giả, hàng nhái trên mạng gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho doanh nghiệp.

Ông Ngô Sĩ Nghị, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ngôi sao Châu Âu cho rằng, bên cạnh việc xử phạt những hành vi này chỉ vài triệu đồng thì vấn nạn này đã làm thiệt hại kinh tế và uy tín của doanh nghiệp.

“Hoạt động chào bán hàng lậu còn công khai trên các trang điện tử lớn như Sendo và các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Tinh vi hơn các đối tượng bán hàng lậu, kinh doanh sỉ lớn còn lập các nhóm kín giao dịch, tránh mọi phát hiện từ phía cơ quan chức năng. Các đối tượng bán online, livestream trên Facebook, Zalo thì đang rất khó xử lý do đối tượng thực hiện tại nhà riêng… Điều này gây thiệt hại về kinh tế doanh nghiệp chúng tôi”, ông Ngô Sĩ Nghị cho biết.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh… Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn chứng từ thực tế, một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên các mạng xã hội đang rao bán đồng hồ giả với giá chỉ vài triệu đồng.

“Phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Bởi vì trên môi trường mạng thì các đối tượng thường sẽ phân tán, phân nhỏ hàng hóa ra hoặc nhiều khi có hàng hóa online, nhưng lại không có hàng hóa thực tế. Bên cạnh đó thì nhận thức của người dân cũng còn hạn chế. Ví dụ như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, đây là một trong những thách thức trong công tác quản lý. Cùng với đó là nhận thức của doanh nghiệp chưa đầy đủ, vẫn còn những nhận thức về việc kinh doanh chộp giật”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền chỉ rõ.

Hàng giả hàng nhái đang làm thiệt hại nhiều uy tín và về kinh tế của các doanh nghiệp chân chính

Trong quý 3 của năm 2020, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 63.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.300 tỷ đồng; khởi tố 369 vụ (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019) với 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Theo ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến an toàn của người tiêu dùng, các hệ lụy liên quan đến môi trường cạnh tranh, lòng tin của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, không xác định được các chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý trong một số giao dịch thương mại điện tử.

“Người tiêu dùng khi chuẩn bị mua bán hàng hóa gì, trước tiên nên tham khảo kỹ các thông tin để xác định được xem hàng hóa để có tính năng, công dụng hình dáng ra sao; tiếp đó cần phải lựa chọn những đơn vị bán hàng có uy tín - phụ thuộc vào những kinh nghiệm của người tiêu dùng. Trong môi trường thương mại điện tử nên mua bán trên website mà có chứng chỉ công nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như thực hiện Chứng chỉ đăng ký thông báo hoặc đăng ký thành công với Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số - đấy là một chứng chỉ để đảm bảo theo website, là hoạt động chính chủ và đã có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hồ Tùng Bách lưu ý.

 Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng tập trung đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, đặc biệt là thời gian gần Tết nguyên đán Tân Sửu. Trong đó, chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận thương mại điện tử, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng phương thức thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Người tiêu dùng mong muốn các cơ chức năng cần sớm công bố những vụ việc vi phạm để từ đó nâng cao trách nhiệm và có sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp./.


Nguyễn Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/canh-bao-hang-gia-hang-nhai-ban-qua-mang-ngay-cang-tinh-vi-828865.vov

  • Từ khóa