Sản phẩm tôm của anh Huỳnh Văn Khem, vùng đất U Minh hiện không chỉ được nhiều người tin dùng mà chính quyền địa phương cũng chọn đây là sản phẩm OCOP.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Thủy sản anh Huỳnh Văn Khem về vùng đất U Minh hạ để tìm hướng đi. Sau khi vươn lên nhờ sản xuất tôm giống, vừa qua, anh tiếp tục mạnh dạn đầu tư sản xuất tôm khô với mặt hàng đặc trưng “tôm thẻ xẻ khô”. Sản phẩm tôm của anh hiện không chỉ được nhiều người tin dùng mà chính quyền địa phương cũng chọn đây là sản phẩm OCOP.
Anh Huỳnh Văn Khem sau khi học xong thạc sĩ về đất rừng U Minh để tìm hướng vươn lên
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất bạt ngàn rừng đước huyện Ngọc Hiển nhưng để tìm hướng vươn lên, anh Huỳnh Văn Khem đã quyết định chọn vùng đất bạt ngàn rừng tràm – huyện U Minh để lập nghiệp. Vào năm 2016, anh Khem mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Phát triển thủy sản Rồng Xanh (ở xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) để ươm nuôi và cung ứng tôm giống cho người dân. Sau vài năm, kinh tế gia đình anh dần khấm khá.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, giá tôm giảm mạnh, người nuôi tôm lâm cảnh khó khăn. Anh Khem đã nghĩ đến việc, phải làm điều gì đó để cùng người dân vươn lên.
Tỉnh Cà Mau rất nổi tiếng với các sản phẩm tôm khô. Từ đó, công ty của anh Khem liên kết với người dân địa phương, thu mua tôm thẻ nguyên liệu để tiến hành làm khô, cung ứng ra thị trường. Vốn có nhiều mối quan hệ nên sản phẩm tôm khô của anh nhanh chóng được phân phối khá rộng rãi.
Trong quá trình làm, kích cỡ tôm thẻ có nhiều con quá lớn, gia đình anh tiến hành xẻ khô để tận dụng nguồn nguyên liệu. Không ngờ, sản phẩm “Tôm thẻ xẻ khô” lại được thực khách ưa chuộng hơn. Từ đó gia đình anh đầu tư thêm công nghệ để phát triển sản phẩm mới này.
“Ngày xưa truyền thống của Cà Mau mình là tôm lụi, 2 con xỏ lại với nhau ép phơi nhưng làm như vậy khi khô sẽ bị cứng, phơi không đủ nắng sẽ bị ẩm mốc. Để khắc phục thì chúng tôi xẻ tôm ra ra tẩm ướp, rồi sấy khô. Như vậy sẽ không bị hôi, con tôm cũng không bị cứng. Sản phẩm tôi làm khi bỏ vào tủ đông, con tôm cứng lại nhưng bỏ ra ngoài vẫn dẻo nên vẫn ngon”, anh Huỳnh Văn Khem chia sẻ.
Sản phẩm "Tôm thẻ xẻ khô" của anh Khem được chọn là sản phẩm OCOP của huyện U Minh
Hiện nay, công ty của gia đình anh Khem đang liên kết hơn 100 hộ dân của 2 tổ hợp tác trên địa bàn huyện U Minh để có nguồn nguyên liệu ổn định làm tôm khô. Những hộ dân này được Công ty cung cấp nguồn giống đầu vào và bao tiêu đầu ra, với giá cao hơn thị trường 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Quy trình sản xuất tôm thẻ xẻ khô là tôm tươi sống được ướp đá khoảng 20 phút để bóc vỏ. Sau đó, được xẻ lấy chỉ đen trên lưng tôm và tẩm ướp gia vị. Tôm được phơi, sấy trong nhà kính có nhiệt độ từ 60 - 65 độ C, với thời gian khoảng 10h là thành phẩm. Tất cả các khâu đều phải tuân thủ theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm “Tôm thẻ xẻ khô” đang được bán với giá 1 triệu đồng/kg. UBND huyện U Minh đã chọn 2 sản phẩm “Tôm thẻ khô” và “Tôm thẻ xẻ khô” của anh Khem là 2 sản phẩm OCOP năm 2020 của huyện. Mới đây, Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau cũng chấm 2 sản phẩm này đều đạt 3 sao.
“Quan trọng là mình đưa được sản phẩm tốt đến người tiêu dùng, đó là niềm hạnh phúc nhất. Khi mình làm sản phẩm tốt, ngon nhưng không có chứng nhận thì người tiêu dùng vẫn đặt dấu chấm hỏi về chất lượng. Bây giờ chúng tôi đã đạt OCOP và sản phẩm OCOP được công nhận trong cả nước. Đó là lợi thế để sau này công ty mở rộng thị trường. Người dân tin tưởng vào sản phẩm OCOP nên công ty phát triển làm”, anh Khem cho biết thêm.
Ngoài tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương, với hai sản phẩm “Tôm thẻ khô” và “Tôm thẻ xẻ khô”, Công ty TNHH Phát triển thủy sản Rồng Xanh còn tạo được việc làm cho nhiều lao động. Hiện nay, công ty cũng bắt đầu phát triển thị trường ra các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh. Thời gian tới, anh Huỳnh Văn Khem, Giám đốc công ty, còn có kế hoạch mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước./.
Trần Hiếu/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tom-the-xe-kho-huong-di-moi-cua-nguoi-dan-u-minh-829503.vov