Sáng 9/1, UBND thành phố tổ chức khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 ngay cạnh cầu Vĩnh Tuy 1, tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Vĩnh Tuy 2) được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, kết cấu, hình dáng tương tự cầu Vĩnh Tuy 1, dự kiến hoàn thành sau ba năm.
Công trình dài 3,5 km, rộng 19,25 m, với bốn làn xe (hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ). Điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).
Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2. Dự án hoàn thành sẽ tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông thủ đô.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức khởi công dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2. Ảnh: Võ Hải.
Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị liên quan tuân thủ chặt chẽ quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đánh giá, sau khi hoàn thành thông xe đưa vào sử dụng cầu Vĩnh tuy giai đoạn 1 vào năm 2010, công trình đã góp phần giải quyết tốt nhu cầu giao thông đi lại giữa nội đô với các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm. Công trình cũng đáp ứng nhu cầu giao thông kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh phía bắc và đông bắc thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô trong 10 năm qua.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 được hoàn thành 10 năm trước. Ảnh: Văn Lộc.
Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại trên tuyến Vành đai 2 ngày càng tăng cao đòi hỏi nhanh chóng đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh việc mở rộng đường Vành đai 2 theo quy hoạch (trong đó có cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2). Thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện dự án. Chính phủ cũng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 từ hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) sang đầu tư công bằng ngân sách của thành phố.
Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). |
Võ Hải/vnexpress.net
https://vnexpress.net/khoi-cong-xay-dung-cau-vinh-tuy-2-4218578.html