Thủ tướng: Phải đổi mới sáng tạo vì ta tiến nhưng thế giới không chờ chúng ta

Chủ nhật, 10.01.2021 | 10:11:58
417 lượt xem

Thủ tướng mong muốn triển lãm sẽ là sự kiện quốc tế tiêu biểu hàng năm về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần thúc đẩy kết nối sâu rộng của các chủ thể của hệ sinh thái và mở rộng các liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế.

Sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội, khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc tổ chức hai sự kiện quan trọng này tiếp tục thể hiện cam kết của Chính phủ đồng hành cùng các doanh nghiệp, cá nhân đổi mới sáng tạo. Nhấn mạnh, chúng ta tiến nhưng thế giới chắc chắn không chờ chúng ta. Vì thế phải đổi mới sáng tạo, phải có khát vọng về một Việt Nam hùng cường thành hiện thực mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập theo Quyết định số 1269 ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2, đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.

Trong khi đó, Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 dù được tổ chức lần đầu tiên nhưng đã quy tụ được đông đảo các thành phần với 156 gian hàng của 113 doanh nghiệp trong nước, 22 doanh nghiệp FDI và 21 viện, trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng tại Triển lãm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng tại Triển lãm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng mong muốn triển lãm sẽ là sự kiện quốc tế tiêu biểu hàng năm về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần thúc đẩy kết nối sâu rộng của các chủ thể của hệ sinh thái và mở rộng các liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế.

Nhìn lại 20 năm trở lại đây, Thủ tướng cho rằng, thực tế đủ chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Vì lẽ đó, đổi mới sáng lạo đạo trở thành “chìa khoá thành công” quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhắc đến Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng cho biết, mục tiêu phát triển của Việt Nam là đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, trở thành nước phát triển thu nhập cao. Đây là khát vọng, là điểm tầm nhìn của cả dân tộc vươn lên và trên cung đường tới đích vẫn còn nhiều chông gai, thách thức, tiềm ẩn những nguy cơ bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu.

"Ta tiến nhưng thế giới chắc chắn không chờ chúng ta. Và vì thế phải đổi mới sáng tạo, phải có khát vọng về một Việt Nam hùng cường thành hiện thực mạnh mẽ hơn. Để thực hiện mục tiêu khát vọng này, chúng ta phải dựa vào trí thức khoa học công nghệ và đặc biệt là đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững. Ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế khá cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/141 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Đây là nền tảng quan trọng, là bệ phóng cho đổi mới sáng tạo sắp tới", Thủ tướng cho biết.

Trong thời gian tới đây, cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn:

"Vì sao như vậy? Vì tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam, cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, mức rất thấp so với mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP. Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo, về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Vì chúng ta chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực động lực cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Vì rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, ý tưởng mới vào sản xuất kinh doanh. Và cũng vì năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng, khoa học phục vụ cuộc sống, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ và manh mún", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Cho rằng, nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo của Việt Nam, hành động thiết thực triển khai Nghị quyết số 52 của Trung ương nhanh chóng đi vào thực tế, thể hiện rõ mong muốn Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặt người dân, doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình này. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của một số bộ, ngành về việc báo cáo Thủ tướng lấy ngày 10/1 hàng năm là ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia khởi công hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với biểu tượng đại bàng cất cánh bay lên, nơi đây sẽ tạo ra những điều kiện lý tưởng về môi trường, thể chế pháp luật, thử nghiệm chính sách mới, điều kiện hạ tầng, môi trường làm việc đặc biệt thuận lợi để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn mình ra thế giới. Trong thời gian tới các bộ, ngành, Thành phố Hà Nội và các đối tác quốc tế tiếp tục phối hợp hỗ trợ để phát triển Trung tâm đổi mới này hoạt động hiệu quả, trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cần nghiên cứu, đề xuất thể chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là lĩnh vực khởi nghiệp. Phát huy vai trò của trường đại học, các viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng “vốn con người” cho đổi mới sáng tạo, gắn liền với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và với nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Cùng với đó là tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới giá trị gia tăng cao, nhất các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin./.


Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thu-tuong-phai-doi-moi-sang-tao-vi-ta-tien-nhung-the-gioi-khong-cho-chung-ta-829597.vov

  • Từ khóa