Thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Việt nói chung và người dân Lạng Sơn nói riêng. Đó cũng chính là lý do khiến nghề làm hương truyền thống tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Thời điểm này, các hộ làm hương đang hối hả vào vụ sản xuất hương phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đến các khối 5, 6, 7+10, phường Đông Kinh vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất khẩn trương, nhộn nhịp của những người làm hương tại đây. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề làm hương, bà Hoàng Thị Chừng, khối 7, phường Đông Kinh cho biết: Nhà tôi làm hương quanh năm để bán. Tuy nhiên, những tháng cuối năm (từ tháng 10 âm lịch đến tháng Chạp hằng năm), nhu cầu mua hương phục vụ tết của khách hàng tăng cao nên gia đình tôi tập trung nhân lực làm hương để kịp giao cho khách. Nếu như những tháng khác trong năm, gia đình tôi chỉ bán được từ 50 đến 70 bó hương/tháng thì vào vụ tết, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm được hơn 50 bó hương thành phẩm, làm đến đâu tư thương ở các huyện đến thu mua hết, thậm chí còn không đủ cung cấp. Từ nghề làm hương, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Người dân khối 6, phường Đông Kinh làm hương phục vụ tết
Cũng giống như gia đình bà Chừng, các hộ làm hương ở đây đang tất bật sản xuất hương cho vụ tết. Chúng tôi đến gia đình bà Tô Thị Mần (60 tuổi), khối 6, phường Đông Kinh trong lúc bà đang tỉ mẩn xếp từng cây hương ra phơi nắng, bà cho biết: Làm hương là nghề truyền thống của gia đình tôi, khi mới lên 6 tuổi tôi đã thành thạo các công đoạn làm hương. Có lẽ bởi vậy nên đến nay, gia đình tôi vẫn duy trì và phát triển nghề làm hương, thời điểm gần tết, nhu cầu mua hương của khách tăng gấp 4 đến 5 lần ngày thường, chúng tôi phải làm hết công suất nhưng vẫn không đủ lượng hương phục vụ khách hàng. Hiện trung bình mỗi ngày, tôi làm được 40 đến 50 bó hương, chủ yếu giao cho khách buôn.
Qua tìm hiểu được biết, nghề làm hương tại phường Đông Kinh đã có từ rất lâu đời, người dân ở đây cũng không nhớ có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra, họ đã thấy các ông, bà làm hương để bán. Nét độc đáo của nghề làm hương nơi đây là việc sản xuất hương đều theo phương pháp thủ công, quy trình cho ra một cây hương rất tỉ mỉ, nguyên liệu chủ yếu là tre, nứa. Để sản xuất ra hương trải qua rất nhiều công đoạn như: chẻ tre, trộn bột, se hương… Bên cạnh đó, để tạo mùi hương, các hộ dân ở đây còn dùng mùn cưa từ các xưởng mộc nghiền mịn ra nên có mùi thơm rất nhẹ, khách rất ưa chuộng.
Hiện nay, việc sản xuất hương ở đây được người dân làm quanh năm, tuy nhiên, sôi động nhất là vào thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán (từ tháng 9, tháng 10 âm lịch). Một bó hương có 100 cây hương, với giá trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/bó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, ngoài ra, các thương lái mua về các huyện trong tỉnh để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thành Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Kinh cho biết: Trên địa bàn phường có trên 100 hộ sản xuất hương, tập trung tại các khối 5, 6, 7+10. Những năm qua, từ nghề làm hương đã đem lại thu nhập ổn định từ 30 đến hơn 50 triệu đồng/hộ, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ nghề làm hương truyền thống, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng của thành phố tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất hương cho các hộ làm hương và Nhân dân trên địa bàn để mở rộng các mô hình sản xuất hương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời, định hướng phát triển hàng hóa, tìm mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm rộng rãi hơn trên thị trường…
CẨM HÀ - HIỂU LAM/BAOLANGSON.VN
http://baolangson.vn/kinh-te/336472-lang-huong-dong-kinh-hoi-ha-vao-vu.html