Một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhiều ngày qua là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Cấm tuyệt đối việc chặt cây đào và các loại cây khác của núi rừng, đặc biệt là núi rừng Tây Bắc để chơi Tết…”. Lạng Sơn là một trong những tỉnh phía Bắc có nhiều loại cây đào, hoa đào bản địa đặc sắc. Do đó, chính quyền các ngành chức năng trong tỉnh đang tích cực triển khai nhiều biện
Để các cấp bộ, ngành và người dân hiểu rõ hơn về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/12/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã giải thích rõ: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết. Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có đào đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng đào. Việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ, ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Người trồng đào phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn bắt đầu khai thác đào để bán cho thương lái
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để hiểu đúng chỉ đạo của Thủ tướng, phải hiểu rõ đào rừng là đào mọc trong rừng tự nhiên. Hiện trên địa bàn tỉnh không có đào rừng mọc tự nhiên. Đào trồng trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ thì có, nhưng cũng rất ít, chỉ rải rác, vì khai thác, vận chuyển cành đào đem bán rất khó khăn nên người dân cũng ít trồng. Hiện nay, cây đào ở Lạng Sơn chủ yếu được người dân trồng phân tán trên diện tích đất nông nghiệp (vườn, nương, rẫy, rừng sản xuất..). Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới chúng tôi tích cực tuyên truyền cho người dân, nghiêm cấm khai thác đối với cây đào và bất cứ cây gì mọc trong rừng tự nhiên.
Trên tinh thần đó, ngày 13/1/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn “về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi phạm khai thác, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái pháp luật các loài thực vật rừng”, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, cơ quan chuyên ngành của huyện phối hợp với chính quyền cơ sở và lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tăng cường thanh tra, kiểm tra, truy quét, tuần rừng; ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật các đối tượng vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua, bán, sử dụng lâm sản trái pháp luật trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các loài thực vật rừng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên… Đồng thời, các cấp chính quyền, ban, ngành tăng cường phối hợp để tuyên truyền sâu rộng đến với người dân không khai thác, chặt phá thực vật trong rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ nguồn thực vật, tài nguyên rừng ngày càng đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên được biết, đa số các thương lái buôn đào cho rằng, thực tế gọi đào rừng như là một tên thương mại chung cho các loại đào chuyển từ miền núi về các tỉnh dưới xuôi. Ông N.T.H, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng (người có thâm niên lâu năm thu mua cây đào trên địa bàn tỉnh mang về các tỉnh miền xuôi bán trước dịp Tết Nguyên đán) cho biết: Hằng năm, bản thân tôi trực tiếp đi mua cây đào, cành đào của người dân trồng nhưng đều gọi là đào rừng. Bởi do đặc điểm khí hậu, thời tiết nên cây đào, cành đào ở Lạng Sơn đều có lớp địa y, rêu bám vào vỏ gốc, thân cây nhìn giống đào rừng tự nhiên, nên gọi như vậy để nâng cao giá trị cành đào, vì người tiêu dùng tại các tỉnh miền xuôi yêu thích các sản phẩm từ miền núi.
Tuy ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã rõ ràng nhưng hiện nay chưa có văn bản, quy định nào hướng dẫn cụ thể hay đánh giá, phân biệt đào rừng, đào trồng. Đã sắp đến kỳ thu hoạch đào, hơn lúc nào hết, người dân trồng đào trên địa bàn tỉnh mong phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, giải thích để người bán và người mua yên tâm khai thác cây đào, cành đào nhằm tăng thêm thu nhập.
ĐĂNG THÙY/BAOLANGSON.VN