Hợp tác giữa nhà băng và nhà phát triển bất động sản cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả cho người mua nhà, tối ưu lợi ích của các bên.
Gần đây, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất và đưa ra các gói vay mua nhà ưu đãi nhằm kích cầu mua nhà, đa dạng danh mục cho vay và giảm thiểu rủi ro tập trung tín dụng. Đối với khách hàng doanh nghiệp là các nhà phát triển bất động sản, việc đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng đem lại hiệu quả kép.
Một mặt, hợp tác giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển bất động sản một cách toàn diện, đặc biệt với các chủ đầu tư uy tín, đảm bảo dòng tiền trả nợ và dự án đảm bảo về mặt pháp lý. Mặt khác, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, đẩy nhanh tính thanh khoản của hàng hóa và gián tiếp giúp doanh nghiệp quay vòng vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Điển hình cho mô hình hợp tác này là cái bắt tay chiến lược giữa tập đoàn bất động sản hàng đầu Novaland và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB). Theo đó, MB sẽ cung cấp các dịch vụ, giải pháp về tài chính, ngân hàng cho Novaland, các công ty thành viên và các nhà thầu của tập đoàn này.
Novaland ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: Novaland.
Cụ thể, MB sẽ cung cấp tín dụng cho nhu cầu vay vốn lưu động, vay vốn trung dài hạn, bảo lãnh các loại, bao thanh toán, thanh toán quốc tế... với chính sách tín dụng, giá, phí cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng sẽ ưu tiên tài trợ vay vốn, cấp hạn mức tín dụng cho các nhà thầu của Novaland. Các gói tài trợ tài chính ưu đãi cũng sẽ được cung cấp cho khách hàng cá nhân của tập đoàn. Hai bên cũng sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi gói tín dụng cho nhân viên và khách hàng MB giao dịch tại Novaland và ngược lại.
Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Novaland kỳ vọng sự đồng hành của MB sẽ giúp đa dạng các giải pháp tài chính, đem lại những lợi ích tối ưu dành cho Novaland, các đối tác và khách hàng.
Trước đó, tập đoàn này cũng đã ký kết hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân (NCB) trong việc tài trợ cấp tín dụng các khách hàng cá nhân có nhu cầu đầu tư các sản phẩm bất động sản với nhiều chính sách ưu đãi.
Novaland là ông lớn trong ngành bất động sản với quỹ đất khoảng 5.000 ha, đã và đang đầu tư, phát triển khoảng 50 dự án nhà ở và bất động sản du lịch, với hơn 60.000 sản phẩm, cùng hàng trăm tiện ích du lịch - giải trí - văn hóa - chăm sóc sức khỏe...
Hợp tác cùng các ngân hàng vừa hỗ trợ khách hàng tiếp cận giải pháp tài chính tối ưu, đồng thời giúp Novaland có thêm nguồn vốn phát triển các dự án, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhà ở, nghĩ dưỡng, đầu tư... ngày một tăng cao.
Bất động sản là kênh đầu tư thu hút nhiều sự quan tâm từ khách hàng. Ảnh: Novaland.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Novaland đã thực hiện thanh toán tổng giá trị vốn gốc và lãi vay là 15.158 tỷ đồng cho các khoản vay đến hạn và các khoản vay tất toán trước hạn từ nguồn tiền mặt sẵn có, nguồn thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và từ hoạt động chuyển nhượng dự án. Đối với hoạt động huy động vốn, trong 9 tháng đầu năm 2020, Novaland đã nhận giải ngân tổng cộng 21.293 tỷ đồng. Các khoản giải ngân được sử dụng cho các hoạt động M&A và đầu tư phát triển dự án.
Những năm gần đây, Novaland được ghi nhận là một trong những thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường vốn trong nước và quốc tế. Tính từ năm 2015 đến nay, tập đoàn này đã huy động và giải ngân thành công gần 1,2 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế. Trong bối cảnh tài chính toàn cầu có nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid-19 trong năm qua, việc tiếp tục nhận giải ngân từ các định chế tài chính uy tín trong và ngoài nước thể hiện sự tin tưởng của đối tác, nhà đầu tư vào năng lực triển khai dự án cũng như tầm nhìn chiến lược mà Novaland đang theo đuổi.
Không riêng Novaland, nhiều ông lớn trong ngành cũng tìm kiếm hợp tác với các ngân hàng. Tùy vào định mức tín nhiệm, thương hiệu, uy tín, quy mô của mỗi doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận các gói tín dụng với chính sách ưu đãi khác nhau.
Theo tính toán của SSI, chỉ trong 10 ngày cuối năm 2020, dư nợ tín dụng tăng thêm gần 2% với khoảng gần 150.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng mạnh trong tháng cuối năm nhưng thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, thị trường tiền tệ không có nhiều biến động. Kết thúc năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 12,13%, dù 7 tháng đầu năm chỉ đạt 4%, thực tế tăng tốc nhanh trong tháng 11 và tháng 12. Kết quả này được cho là nhờ sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang tốt dần lên.
Tuy nhiên, để không xảy ra các hệ lụy, đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngoài công tác điều hành chung, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động. Trong đó, có quy định kiểm soát danh mục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản. Điều này cũng đồng nghĩa, chỉ cần các nhà bất động sản đáp ứng được các điều kiện và điều khoản vay sẽ tiếp cận được nguồn vốn dồi dào và lãi suất tốt hơn các năm trước.
Bước sang 2021, ổn định vĩ mô là vấn đề ưu tiên của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước định hướng ổn định mặt bằng lãi suất, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế tăng trưởng. Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp bất động sản uy tín có thêm dư địa tiếp cận nguồn vốn, thực hiện các kế hoạch đầu tư, đảm bảo tiến độ dự án, qua đó nhanh chóng gia tăng nguồn cung sản phẩm bất động sản trên thị trường.
Thực tế, trong quý cuối cùng của năm 2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản "bung hàng". Thêm vào đó lãi suất cho vay mua bất động sản tại các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, kích thích nhà đầu tư mạnh dạn vay mua nhà, dự báo thị trường bất động sản ấm hơn từ sau nửa cuối năm 2021.
Nam Anh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/ngan-hang-hop-tac-doanh-nghiep-dia-oc-tang-loi-ich-khach-hang-4223743.html