Để đạt mục tiêu, tạo khởi đầu tốt cho nhiệm kỳ mới, những gì đã làm tốt trong năm 2020 cần được tiếp tục, đặc biệt là sự điều hành nhất quán, linh hoạt, nhạy bén, khẩn trương, quyết liệt cần được phát huy trong nhiệm kỳ mới.
Nền kinh tế vẫn còn nhiều “mảng xám”
Kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới kinh tế (1986) đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, với mức tăng trưởng GDP khá cao, đặc biệt là trong năm 2020, mức tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đây là thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào việc tăng vốn. Đóng góp của vốn đầu tư vào tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016 – 2019 vẫn ở mức 55%. Tăng trưởng GDP trong thời gian dài vẫn dựa đáng kể vào nhân công giá rẻ, thiếu kỹ năng. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng mặc dù đã được cải thiện, song không ổn định, đặc biệt, thấp hơn nhiều so với nhiều nước châu Á cả về mức đóng góp cho tăng trưởng GDP cũng như tốc độ tăng.
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế xã hội (Ảnh minh họa: KT)
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kết quả đột phá. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa phát huy vai trò. Đầu tư công được đẩy nhanh nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ cải thiện hiệu quả mạnh mẽ hơn và trong thời gian qua chưa có công trình, dự án đầu tư công lớn nào được triển khai. Tinh thần thời chiến trong chống dịch chưa được áp dụng trong phục hồi kinh tế. Gói hỗ trợ được ban hành nhanh chóng nhưng ở nhiều nơi, hành động tương xứng khiến sự kịp thời, nhanh nhạy của Chính phủ trong hỗ trợ bị giảm đi hiệu quả.
“Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra các quyết sách rất nhanh nhưng trong phục hồi kinh tế thì vẫn theo quy trình ra quyết định truyền thống. Quyền hạn của Chính phủ lại bị giới hạn nên các gói hỗ trợ chưa đủ lớn về quy mô, chưa đủ dài về thời gian nên sự hỗ trợ “không thấm vào đâu” so với những thiệt hại mà sản xuất, kinh doanh đã phải hứng chịu”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Cần sớm có một kế hoạch phục hồi kinh tế
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đổ gãy, tăng trưởng âm với quy mô GDP và thu nhập của người dân giảm sút, nhiều dự báo cho rằng, thế giới phải mất 2 năm mới phục hồi về mức trước đại dịch thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đi lên, tốc độ phục hồi vẫn khá nhanh. Đây là cơ sở để kỳ vọng năm 2021 Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra.
“Nếu tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có kế hoạch phục hồi kinh tế tốt thì tôi tin là có thể đạt mức tăng trưởng tới 8%. Nhưng nếu những thứ cải cách hết sức căn bản vẫn không thay đổi thì đạt được mức tăng trưởng 5%-6% cũng khó”, TS. Cung nhận định.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc
Nguyên Viện trưởng CIEM bày tỏ mong chờ nhiệm kỳ mới sẽ có những chủ trương, biện pháp và giải pháp mới mang lại sự thay đổi lớn đưa đất nước và đưa nền kinh tế vào chặng đường phát triển mới.
“Tôi mong sớm có một kế hoạch phục hồi kinh tế chứ không phải là những chính sách hỗ trợ. Song song với đó là việc tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2 - đó là giai đoạn thúc đẩy đổi mới sáng tạo với thị trường và thị trường hơn. Và Chính phủ cần có quyền nhiều hơn. Đồng thời, cần phải tích cực, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp được làm những gì mà doanh nghiệp muốn và pháp luật không cấm chứ không phải chỉ làm gì mà pháp luật cho phép”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.
Còn theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đổi mới - chuyển đổi hay lựa chọn tối ưu một mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam cuối cùng vẫn phải bảo đảm được mục tiêu kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường, ứng phó hiệu quả trước những cú sốc nhiều mặt từ bên ngoài.
“Cần thể chế hóa cụ thể các yêu cầu, mục tiêu đặt ra từ các nội hàm đổi mới của mô hình tăng trưởng. Đặc biệt chú trọng vai trò của đổi mới sáng tạo và hoạt động khoa học công nghệ nhằm từng bước đưa nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế số”, TS. Trương Văn Phước nêu ý kiến.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Ngoài ra, cần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Theo TS. Phước, đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng thực chất việc triển khai thực hiện do gặp phải nhiều khó khăn, nên tiến hành còn rất chậm.
“Để mô hình tăng trưởng mới phát huy tác dụng thì các cải cách về đầu tư công, về doanh nghiệp Nhà nước, về thị trường tài chính, trong đó, có các vấn đề về tài khóa và tiền tệ cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa”, TS. Phước khuyến cáo.
Cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn
Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới 2021-2025, là năm đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới giai đoạn 2021-2030. Năm đầu đạt kết quả tốt sẽ tạo nền tảng, tạo sự bứt phá và niềm tin cho cả nhiệm kỳ và cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Để đạt mục tiêu, đạt khát vọng, để tạo khởi đầu tốt cho nhiệm kỳ mới, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, những gì đã làm tốt trong năm 2020 cần được tiếp tục, đặc biệt là sự điều hành nhất quán, linh hoạt, nhạy bén, khẩn trương, quyết liệt cần được phát huy trong nhiệm kỳ mới.
“Năm 2021 và những năm tiếp theo cần tiếp tục cải cách thể chế. Nhưng cải cách thể chế lần này phải mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Trong đó, không chỉ là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mà phải thực hiện những cải cách tạo ra nền tảng để nâng cao mức độ thị trường của nền kinh tế. Trọng tâm của cải cách thể chế là xây dựng và phát triển các loại thị trường, các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này thực hiện vai trò chủ yếu trong huy động nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả sẽ tạo nên sự khác biệt của nền kinh tế Việt Nam so với trước”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh./.
Diệp Diệp/VOV.VN