Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay là một phép thử và cũng là bài học để các cơ quan quản lý tăng cường hơn nữa các biện pháp nâng cao “sức đề kháng” cho nền kinh tế.
Đình trệ trong sản xuất và đầu tư
Nền kinh tế toàn cầu đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Sự thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp (DN) thể hiện rõ thông qua mức tăng trưởng tín dụng. Bình quân hàng năm tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng từ 14-18%, nhưng năm 2020 dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam, tín dụng năm 2020 tăng trưởng thấp hơn các năm trước do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động Covid- 19. Điều này cũng cho thấy có sự đình trệ trong sản xuất và đầu tư rất lớn.
Bên cạnh đó, làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, con số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, cả nước có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Việc doanh nghiệp buộc tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể gia tăng trong thời điểm hiện nay đã phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất, kinh doanh và tổng cầu một số ngành đã và đang giảm sâu do tác động của đại dịch Covid-19.
Hàng loạt doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 (Ảnh minh họa: KT)
Để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các gói hỗ trợ như: gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69.300 tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180.000 tỷ đồng); gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng (0,6% GDP)… Tuy nhiên, theo nghiên cứu về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ khu vực DN chống chọi với đại dịch Covid-19 của Trường đại học Kinh tế quốc dân và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) công bố mới đây cho thấy, chỉ có 22,25% DN nhận được hỗ trợ.
"Trong các lý do DN không nhận được các hỗ trợ thì có 54,67% DN cho là vì họ không đáp ứng được điều kiện để nhận được hỗ trợ; có tới 25,95% DN không biết đến các chính sách hỗ trợ, có 14,88% DN cho biết quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên DN không muốn tiếp cận các hỗ trợ", PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho hay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có không ít DN phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từ ngành, lĩnh vực kinh tế….
Đại diện một trong những Hiệp hội ngành hàng bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Chỉ thị 11 của Chính phủ là rất đúng đắn kịp thời nhưng các cấp triển khai còn hạn chế. Ví dụ như hỗ trợ cho người lao động mất việc đến nay, mới có khoảng 20 hướng dẫn viên được hỗ trợ. Số DN tiếp cận và được hỗ trợ đếm trên đầu ngón tay.
“Chính sách tốt nhưng chính những rào cản, thủ tục phức tạp khi triển khai làm giảm hiệu quả hỗ trợ. Khi chính sách không đi vào thực tế hiệu quả cần phải thẳn thắn nhìn nhận các khâu để điều chỉnh, cần nói rõ ràng, không nên để DN mòn mỏi”, ông Vũ Thế Bình thẳng thắn chia sẻ.
Cần chiến lược để tăng sức đề kháng cho nền kinh tế
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, thời gian qua, Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch.
"Đó là thành quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch bệnh trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế. Đồng thời, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài. Từ đó, tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái", PGS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT)
Để thực hiện các chính sách hỗ trợ bệnh dịch cũng như thiên tai, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, nguyên tắc cần được giữ vững khi đưa ra chính sách là phải luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều DN có thể sẽ phá sản, Chính phủ vẫn cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng.
Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với Covid-19, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để phát triển bền vững sau đại dịch.
“Chính phủ cần “đốt nóng” các động cơ phục hồi để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19, giúp nền kinh tế nâng cao sức đề kháng, chống chọi với cú sốc tương tự như Covid trong thế giới tương lai đầy bất ổn”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nêu ý kiến.
Ngược lại, DN cần kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản; tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả; tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Đồng thời, DN cần chủ động áp dụng nền tảng số và các mô hình mới trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý; đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, nâng cao tính chủ động và linh hoạt; tìm kiếm và mở rộng các kênh đầu tư và kênh huy động vốn… Đây là các chiến lược DN cần hướng đến để thích nghi và phát triển bền vững sau đại dịch./.
Cẩm Tú/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-vuot-bao-tang-suc-de-khang-cho-nen-kinh-te-835512.vov