TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần có kế hoạch phục hồi kinh tế, giải pháp kích thích kinh tế, thúc đẩy những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực, tạo ra nền kinh tế năng động hơn...
“Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, nếu tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có kế hoạch phục hồi kinh tế tốt”. Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử VOV.VN nhân dịp Tết Tân Sửu 2021.
PV: Nhìn lại năm 2020 đầy sóng gió vừa qua, ấn tượng nhất của ông là gì?
Ông Nguyễn Đình Cung: Với kết quả phòng chống dịch bệnh, và kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được cho thấy rõ sức chống chịu của nền kinh tế đã tốt hơn trước. Và một lần nữa thể hiện rõ khả năng chống chịu và vươn lên vượt khó của doanh nghiệp Việt. Một điểm sáng nổi bật nữa là tính “kịp thời, nhất quán, quyết liệt” trong việc ra các quyết sách kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, phục hồi kinh tế của Chính phủ cộng với sự ủng hộ và đồng lòng của người dân đã tạo nên thành công của năm 2020.
TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam còn đang vật lộn với dịch bệnh, nhiều dự báo cho rằng, tác động của Covid-19 còn kéo dài hết năm 2021 nên 2021 là một năm đầy khó khăn, không có gì kỳ vọng lớn đối với nền kinh tế, có chuyên gia cho rằng chỉ nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiếm tốn ở mức 5%. Trong khi Quốc hội ra nghị quyết năm 2021 tăng trưởng GDP 6%. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?
Ông Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, phải đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu, để các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đổ gãy, tăng trưởng âm với quy mô GDP và thu nhập của người dân giảm sút, nhiều dự báo cho rằng, thế giới phải mất 2 năm mới phục hồi về mức trước đại dịch thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đi lên, tốc độ phục hồi nhanh hơn. Đây là cơ sở để kỳ vọng năm 2021. Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra nếu tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có kế hoạch phục hồi kinh tế tốt. Nhưng nếu những thứ cải cách hết sức căn bản vẫn không thay đổi thì đạt được mức tăng trưởng 5%-6% cũng khó.
PV: Vậy đâu là động lực cho tăng trưởng năm 2021 và phải làm những gì, làm như thế nào để đạt được mức tăng trưởng cao như ông kỳ vọng?
Ông Nguyễn Đình Cung: 2021 là năm đặc biệt vì là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới 2021-2025, là năm đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mới 2021-2030. Năm đầu mà đạt kết quả tốt sẽ tạo nền tảng, tạo sự bứt phá và niềm tin cho cả nhiệm kỳ và cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Để đạt mục tiêu, đạt khát vọng, tạo khởi đầu tốt cho nhiệm kỳ mới thì những gì đã làm tốt trong năm 2020 cần được tiếp tục, đặc biệt là sự điều hành nhất quán, linh hoạt, nhạy bén, khẩn trương, quyết liệt cần được phát huy trong nhiệm kỳ mới, đồng thời phải đẩy nhanh phục hồi kinh tế và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Muốn thế phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có kế hoạch phục hồi kinh tế tốt. Cải cách thể chế toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn, đồng thời, cần có chính sách và giải pháp kích thích kinh tế mới. Năm 2020 ta thực hiện các gói hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Nhưng bây giờ chúng ta cần có một kế hoạch phục hồi kinh tế, cần các chính sách, giải pháp kích thích kinh tế, thúc đẩy những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực, tạo ra nền kinh tế năng động hơn chứ không phải là gói hỗ trợ để vượt khó như đã làm năm 2020.
PV: Cải cách thể chế là việc chúng ta đã nhắc đến nhiều năm nay, vậy theo ông, cải cách ở giai đoạn mới thì có cần phải đổi mới?
Ông Nguyễn Đình Cung: Cải cách thể chế vẫn là một đột phá chiến lược để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra. Năm 2020 do chống dịch nên cải cách môi trường kinh doanh có vẻ trùng xuống. Năm 2021 và những năm tiếp theo cần tiếp tục cải cách thể chế. Nhưng cải cách thể chế lần này phải mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Trong đó, không chỉ là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh mà phải thực hiện những cải cách tạo ra nền tảng để nâng cao mức độ thị trường của nền kinh tế. Trọng tâm của cải cách thể chế là xây dựng và phát triển các loại thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này thực hiện vai trò chủ yếu trong huy động nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả sẽ tạo nên sự khác biệt của nền kinh tế Việt Nam so với trước.
PV: Để đạt được khát vọng dân giàu nước mạnh, thì cần có một lực lượng doanh nghiệp mạnh và kinh tế tư nhân phải là chủ đạo. Vậy cần làm gì để doanh nghiệp thực sự trở thành lực lượng mạnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Cung: Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững và mạnh cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả và thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế thì phải chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường. Phải tự do hóa thị trường trong nước, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phải thay đổi lại hệ thống phân bổ nguồn lực. Hiện doanh nghiệp sợ lớn vì họ không được tiếp cận nguồn lực công bằng.
Đồng thời, phải tháo bỏ rào cản đối với đầu tư và kinh doanh, mở rộng và bảo đảm, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, đảm bảo để doanh nghiệp được làm những gì doanh nghiệp muốn mà pháp luật không cấm chứ không phải chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Và cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, có chất lượng, khắc phục tình trạng “7 không” (Không rõ ràng, không cụ thể, không nhất quán, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả, không tiên liệu trước được).
Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo thuận lợi, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi nào có được cạnh tranh bình đẳng và tự do kinh doanh, khi đó khoa học công nghệ sẽ là công cụ và khoa học công nghệ sẽ phát triển.
Tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ bằng nhiều việc phải làm, trong đó là phải cải cách tư pháp và tòa án. Hiện doanh nghiệp sợ lớn vì họ không được bảo vệ về tài sản và quyền tự do kinh doanh bởi nếu càng lớn thì rủi ro cũng càng nhiều.
Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Cẩm Tú/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/dong-luc-nao-cho-kinh-te-viet-nam-tang-truong-trong-nam-2021-835734.vov