Năm 2021, mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội được đặt ra với những khó khăn hiện hữu, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Để đạt mục tiêu khôi phục, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường phải được đặt trong bối cảnh mới của năm 2021, nhiều nhiệm vụ được đặt ra ngay từ đầu năm. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã trải qua một năm 2020 đầy biến động, nhưng cũng rất đáng tự hào về những kết quả kinh tế đất nước đã đạt được… Giới phân tích cho rằng, có thể coi năm 2020 chính là năm thử thách rất lớn của Việt Nam trước các tác động từ thiên tai, dịch bệnh cũng như là hội nhập. Quan điểm của Bộ trưởng thì sao - khi nhìn lại năm 2020 vừa qua?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng là năm 2020 cả thế giới đã chứng kiến những tác động rất sâu rộng theo cả khía cạnh tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, những tác động phòng chống dịch bệnh đã tác động chung đến cả những ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến phát triển của kinh tế thương mại của cả thế giới, trong đó Việt Nam cũng bị tác động rất sâu sắc, vì bản thân chúng ta cũng là một nước đang tham gia hội nhập rất sâu rộng, đồng thời có một độ mở của nền kinh tế rất lớn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Ngoài dịch bệnh Covid-19 thì bản thân năm 2020 cũng là năm thế giới có rất nhiều những tác động, nguy cơ ngăn chặn dòng chảy của thương mại cũng như sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Trong năm 2020 chúng ta cũng chứng kiến những tác động của CMCN 4.0 và nền tảng số cũng làm dịch chuyển tới hoạt động đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ và hợp tác ở các lĩnh vực giữa các nền kinh tế trên thế giới.
Và rõ ràng chúng ta cũng thấy cộng đồng quốc tế và trong đó có Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn để vượt qua những khó khăn, thách thức này. Mặc dù đã có những yếu tố nhiều khi vượt qua những khả năng thực tế của con người cũng như thực tiễn, ví dụ như trong xử lý và kiểm soát dịch bệnh… Nhưng chúng ta cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong ứng phó kịp thời.
Năm 2020, những nỗ lực rất là liên tục và mạnh mẽ khẳng định Việt Nam là một tấm gương điển hình cho sự quyết liệt, nhạy bén, đoàn kết, thống nhất, và có cả những biện pháp thể hiện rõ sự chia sẻ và phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Chính vì vậy, với mục tiêu kép mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ trong tất cả các chiến lược về phòng chống dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế thì đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng trong tập trung để đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân cũng như ổn định đời sống của nhân dân, của doanh nghiệp và tiếp tục phát triển bền vững và gắn với hội nhập sâu rộng của đất nước thì đã được thể hiện rất rõ trong năm 2020.
PV: Thưa Bộ trưởng, dịch Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam với những diễn biến phức tạp, cho thấy chúng ta lại tiếp tục phải trải qua những khó khăn trong phát triển kinh tế và đời sống. Từ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành của năm 2020, theo Bộ trưởng chúng ta cần tập trung vào những trọng tâm gì trong năm 2021 để cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói những bài học kinh nghiệm dựa trên thực tế những giải pháp, biện pháp mà chúng ta đã quyết liệt, đồng bộ, nhất quán thực hiện trong năm 2020 sẽ là những bài học rất quý giá, thậm chí nó chính là những nền tảng và tiền đề để chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu cũng rất tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi của năm 2021.
Chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ trong năm 2021 và những yêu cầu có vừa thể hiện tính cấp bách nhu cầu thực tiễn cũng như cả những mục tiêu chiến lược và dài hạn của đất nước. Những văn kiện chính trị và Nghị quyết của Đại hội Đảng đã nêu rõ trong Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Tuy nhiên, ở đây để khẳng định tính cần thiết và ưu tiên thì chúng ta cần phải nói rất rõ rằng năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp thì những mục tiêu của chúng ta được Đảng và Nhà nước nêu lên và Chính phủ đã cụ thể hóa trong các yêu cầu và chỉ thị, các nghị quyết rất cụ thể về việc tiếp tục kiểm soát thật chặt chẽ và có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, được phối hợp với cộng đồng quốc tế để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, cũng như tiếp tục khôi phục đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
Chính vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải thống nhất, đó là yêu cầu một cách nghiêm ngặt nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh phải được quán triệt, thống nhất và tổ chức một cách chặt chẽ và có hiệu quả nhất ở tất cả các cấp, các ngành, các khu vực của xã hội - cũng như các hoạt động để phát triển, khôi phục, đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường - nhưng cũng phải dựa trên nền tảng đảm bảo kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ và hiệu quả. Đó là một nguyên tắc sống còn của chúng ta trong năm 2021 và những năm tới.
Thứ hai là tiếp tục khôi phục, đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường phải được đặt trong bối cảnh mới của năm 2021 có đầy đủ cả cơ hội với những điều kiện thuận lợi, cũng như ý thức được đầy đủ về những thách thức và áp lực.
PV: Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những trọng tâm nào trong năm 2021, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thứ nhất, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ngành Công Thương trong năm 2021 là phải thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời những Chỉ thị và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cũng như tiếp tục khôi phục nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Đảm bảo sự ổn định đời sống của nhân dân cũng như tiếp tục thực hiện tốt các Kế hoạch và Chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ hai, để thực hiện tốt điều đó thì Bộ Công thương phải tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; các Chương trình hành động của Chính phủ đã ban hành về việc thực hiện các Nghị quyết của chính phủ liên quan đến các hiệp định thương mại tự do FTA. Đây đều là những nội dung nền tảng để chúng ta vừa thực thi thành công hội nhập của chúng ta nhưng cũng đồng thời tiếp tục thực hiện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại các ngành kinh tế công nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng để hướng vào chiều sâu nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng. Đồng thời theo hướng khởi nghiệp sáng tạo và tiếp tục tạo thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển, khai thác tối đa ưu thế và những điều kiện vượt trội từ các FTA mà chúng ta đã có.
Thứ tư, phải tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa công tác phát triển thị trường, đặc biệt là trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như các công cụ hội nhập mà chúng ta đã có theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa và đẩy nhanh hơn nữa việc tham gia vào trong các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, để từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo ở trong nước.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp cùng với các ngành đặc biệt là các ngành nông nghiệp, nhằm tổ chức lại các mô hình sản xuất để từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của các ngành hàng nông sản thực phẩm cũng như các ngành nông nghiệp trong hội nhập. Và đây cũng là yếu tố sống còn để giúp cho các ngành nông nghiệp và người nông dân của chúng ta có thể hội nhập thành công trong chiến lược hội nhập chung của đất nước./.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyên Long/VOV.VN