Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Quy Nhơn), chàng trai quê xứ dừa Hoài Nhơn (Bình Định) Nguyễn Sơn Tịnh quyết định trở về quê hương khởi nghiệp với các sản phẩm độc đáo từ mo cau.
Chưa bao giờ, startup (khởi nghiệp) lại được quan tâm nhiều như thời gian gần đây. Làn sóng này ở nước ta đang nở rộ, căng tràn sức trẻ, từ thành thị cho tới nông thôn, trải dài khắp Bắc- Trung- Nam.
Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Quy Nhơn), chàng trai quê xứ dừa Hoài Nhơn (Bình Định) Nguyễn Sơn Tịnh quyết định trở về quê hương khởi nghiệp với các sản phẩm độc đáo từ mo cau.
Đầu năm ngoái, Tịnh quyết định thành lập Công ty với mong muốn tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Từ phế phẩm người dân đốt bỏ đi - là mo cau, Tịnh đã biến chúng thành những sản phẩm độc đáo như: Thìa, chén, bát, khay đựng cơm… Không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển, dự án khởi nghiệp của Nguyễn Sơn Tinh còn góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp không mấy dễ dàng, Nguyễn Sơn Tịnh- Giám đốc Công ty TNHH Equana Việt Nam cho biết: "Hiện, tôi chỉ mong sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể, chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mua máy móc, thuê đất trồng nguyên liệu".
Nguyễn Sơn Tịnh kiểm tra sản phẩm tại Công ty TNHH EQUANA Việt Nam. (Ảnh: Sở KHCN Bình Định).
Khác với Nguyễn Sơn Tịnh, xuất phát từ đề tài nghiên cứu “Tách chiết các isoflavone trong thân của sắn dây củ tròn có nguồn gốc tại Việt Nam” của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), Đào Ánh Vân – một bạn trẻ luôn ấp ủ mong muốn làm sao có thể thương mại hóa được các sản phẩm “đi ra” từ các đề tài nghiên cứu. Vốn sẵn có đam mê khởi nghiệp, Vân và Nguyễn Thị Ngoan – chủ nhiệm đề tài và cũng là một tiến sĩ trẻ đã quyết định “bắt tay” nhau khởi nghiệp với dòng sản phẩm bổ sung và giúp cân bằng nội tiết tố nữ và thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm sinh học VIG Biopharm.
Đào Ánh Vân chia sẻ: "Các nhà khoa học nghiên cứu ra rất nhiều sản phẩm tốt, nhưng lại khó đưa ra thị trường, tôi mong muốn có thể góp phần đưa các sản phẩm này của các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu ra thị trường thành sản phẩm hữu ích".
Trong khi đó, với mong muốn góp phần tạo nên một xã hội an toàn hơn cho mọi người, chàng trai trẻ Phạm Hoàng Hải và nhóm của mình đã nghiên cứu và phát triển dự án AntiMatlab. Đây là ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để nhận diện và can thiệp các trường hợp gây mất trật tự an ninh các khu vực dân cư, tòa nhà… bao gồm: Nhận diện quấy rối, bạo lực, tai nạn. AntiMatlab đã và đang được Hải và các đơn vị đối tác đưa vào ứng dụng trong thực tế, cung cấp giải pháp thông minh cho một số tòa nhà cao tầng, khu dân cư tại Hà Nội.
"Kỳ vọng của chúng tôi là mong muốn có thể đóng góp cho xã hội, giúp xã hội an toàn hơn" - Phạm Hoảng Hải chi sẻ.
Nguyễn Sơn Tịnh, Đào Ánh Vân, hay Phạm Hoàng Hải chỉ là số ít trong rất nhiều bạn trẻ đã và đang cho thấy sức sáng tạo, sự nhiệt huyết và đam mê khởi nghiệp. Theo thống kê, hiện số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước là hơn 2.000 doanh nghiệp.
Khẳng định chất lượng startup Việt Nam ngày càng được nâng cao, ông Phạm Ngọc Huy - Giám đốc dự án Vietnam Silicon Valley - một trong những đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp cho rằng, nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các startup cũng ngày càng nhiều, với sự tham gia của các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, cùng với sự hỗ trợ đến từ Chính phủ và cộng đồng.
"Chất lượng của các startup Việt Nam ngày càng được nâng cao bởi vì hiện nay kiến thức và thông tin xây dựng doanh nghiệp đã ngày càng nhiều. Rồi các bạn cũng nhận được khá nhiều sự hỗ trợ và đồng hành không chỉ của Chính phủ và các quỹ đầu tư nước ngoài. Chính vì thế chất lượng ngày càng tăng cao", ông Phạm Ngọc Huy chia sẻ./.
Tạ Lan/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/chang-sinh-vien-tro-ve-que-huong-khoi-nghiep-tu-mo-cau-836729.vov