Để cuộc tổng điều tra đạt hiệu quả tối ưu, cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của mọi thành phần kinh tế.
Từ ngày 1/3, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tổng điều tra kinh tế trên phạm vi cả nước. Dự kiến, kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 12/2021 và công bố kết quả chính thức vào quý II/2022.
Đây là hoạt động quan trọng giúp Đảng, Nhà nước, từng ngành nghề, doanh nghiệp có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước, xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác, nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng là đưa ra những quyết định phù hợp để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Để cuộc tổng điều tra đạt hiệu quả tối ưu, cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của mọi thành phần kinh tế.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương một số nội dung xung quanh cuộc điều tra này.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương.
PV: Thưa ông, xin ông có thể cho biết về mục đích và ý nghĩa của Tổng điều tra kinh tế 2021?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Ngày 27/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 307 về Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021 nhằm đạt được ba mục đích chính: Thứ nhất, đó là đánh giá sự phát triển cơ sở, quy mô lao động của các cơ sở kinh tế, đánh giá về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở kinh tế; đánh giá cơ cấu, về cơ cấu, về số lượng cơ sở cũng như lao động của các cơ sở kinh tế, của từng địa phương, của từng ngành kinh tế, của từng hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành địa phương.
Mục đích thứ hai, đó là kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê chính thức như chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia.
Mục đích thứ ba đó là cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu để chuyển đổi năm gốc – năm 2020 phục vụ cho việc tính toán các chỉ tiêu thống kê về kinh tế xã hội, rồi lập dàn mẫu cơ sở kinh tế để tổ chức điều tra mẫu của ngành Thống kê cũng như các Bộ, ngành Trung ương trong thời kỳ 2021-2026
PV: So với các kỳ trước, cuộc tổng điều tra lần này có những điểm khác biệt nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Tổng điều tra 2021 có một điểm khác biệt và 3 điểm đổi mới so với tổng điều tra kinh tế năm 2017. Điểm khác biệt ở chỗ, năm 2017 chúng ta điều tra các cơ sở kinh tế và các cơ sở hành chính. Đợt này, Ban chỉ đạo Tổng điều tra chỉ điều tra các cơ sở kinh tế, còn các cơ sở hành chính là do Bộ Nội vụ tiến hành. Các cuộc điều tra tiến hành cùng thời điểm và kết quả điều tra sẽ được tích hợp và cùng công bố.
Cuộc điều tra lần này có 3 điểm mới. Thứ nhất, cuộc điều tra tiếp cận đơn vị cơ sở theo chuẩn quốc tế, có nghĩa là điều tra các cơ sở kinh tế đến từng địa bàn quản lý thấp nhất, đó là cấp xã để đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời để cho hệ thống tài khoản quốc gia tính toán các chỉ tiêu vĩ mô đến cấp địa phương.
Đổi mới thứ hai là việc khai thác triệt để cơ sở hành chính phục vụ cho tổng điều tra và tính toán các chỉ tiêu thống kê. Tổng kinh tế năm 2021 sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý thuế của Bộ Tài chính và cơ sở quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm danh sách nền phục vụ cho Tổng điều tra.
Điểm đổi mới thứ ba rất quan trọng, đó là tận dụng triệt để công nghệ thông tin từ khâu chuẩn bị, thu thập, xử lý và công bố kết quả để tiết kiệm nguồn lực con người, tài chính và rút ngắn thời gian công bố kết quả tổng điều tra.
PV: Để đạt được 3 mục đích của tổng điều tra, Tổng cục Thống kê đã nhận định được những khó khăn, thuận lợi nào?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Khó khăn ở chỗ tổ chức tổng điều tra trong thời điểm dịch đang diễn ra ở một số địa phương. Do đó, chúng tôi phải xây dựng kịch bản và tăng cường chỉ đạo gián tiếp, chỉ đạo trực tuyến và hạn chế chỉ đạo trực tiếp.
Chúng tôi phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và các cơ quan báo, đài từ Trung ương đến địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về Tổng điều tra. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các công ty viễn thông, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương gửi tin nhắn rồi gửi email đến các đơn vị cơ sở kinh tế để thực hiện tổng điều tra.
Tổng điều tra kinh tế giúp Đảng, Nhà nước, từng ngành nghề, doanh nghiệp có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước.
Cuộc tổng điều tra này sẽ áp dụng triệt để công nghệ thông tin để điều tra trực tuyến. Đối với các doanh nghiệp cũng như cơ sở hành chính sẽ được điều tra bằng phiếu điện tử. Các đơn vị đăng nhập vào trang thông tin điện tử của tổng điều tra từ kê khai thông tin phiếu điều tra. Còn đối với các khối tôn giáo và hiệp hội, cá thể sẽ có phiếu điện tử gử trên điện thoại di động.
Như vậy, cuộc điều tra này tuy diễn ra trong thời điểm dịch, nhưng các đơn vị, cơ sở khai báo thông tin có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ thời điểm nào và tương tác trực tuyến. Với các kịch bản mà Ban chỉ đạo cuộc tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021 đã xây dựng, chúng tôi sẽ đạt kết quả tốt, mặc dù dịch đang diễn ra phức tạp.
PV: Để có được những số liệu thống kê xác thực nhất, ông nghĩ như thế nào khi có đề xuất cho rằng, cần xử phạt những đơn vị giấu giếm thông tin?
Ông Nguyễn Trung Tiến: Để có kết quả thống kê tốt nhất từ đó xây dựng các chiến lược cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hiệu quả, người cung cấp thông tin rất quan trọng, vì đó là thông tin đầu vào.
Qua cuộc tổng điều tra này, tôi cũng mong muốn tất cả các cơ sở kinh tế hợp tác chặt chẽ với cơ quan thống kê để cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh - có cơ sở đưa ra những số liệu thống kê tốt nhất nhằm giúp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay, Luật cũng đã quy định rất rõ, chế tài xử lý cụ thể đối với những người kê khai không trung thực và kê khai không chính xác. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi vẫn sử dụng nhiều nguồn dữ liệu để đối sánh, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Điều quan trọng là ý thức của người cung cấp thông tin. Muốn có thông tin tốt nhất thì cần người cung cấp thông tin tốt, từ đó mới có các chỉ tiêu thống kê tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thu Trang/VOV.VN