Myanmar được đánh giá là không dành cho nhà đầu tư yếu tim, với rủi ro bị đảo chính, trừng phạt và chậm cải tổ cấu trúc.
Myanmar chỉ mới cải cách dân chủ và mở cửa cho đầu tư nước ngoài cách đây một thập kỷ. Các ngành như khai thác dầu, bán lẻ, bán buôn, viễn thông, ngân hàng từ đó mới được nhà đầu tư tiếp cận. Chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử năm 2015 càng củng cố hướng đi dân chủ của đất nước này.
Nhà đầu tư nước ngoài vì thế cũng chen chân vào Myanmar để khai thác tối đa tiềm năng tại đây. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar đã lên kỷ lục năm 2015, khi tương đương 6% GDP.
Dù vậy, FDI sau đó dần giảm, về 1,7% GDP năm 2018. Hiện tại, với việc quân đội lại kiểm soát Myanmar, giới phân tích lo ngại tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài sẽ chịu đòn giáng mạnh. Htwe Htwe Thein – Giáo sư tại Kinh tế Quốc tế tại Đại học Curtin cho biết việc đảo chính "là ác mộng lớn nhất" với nhà đầu tư.
Rủi ro với họ lần này tăng gấp ba. Đó là nguy cơ Mỹ, châu Âu tái áp đặt lệnh trừng phạt lên quốc gia Đông Nam Á, khả năng kinh doanh dưới sự điều hành của chính quyền quân sự, và sự bất ổn về chính sách.
Một người bán hàng rong tại Yangon (Myanmar) đầu tháng 2. Ảnh: AP
"Các doanh nghiệp luôn muốn sự ổn định và chắc chắn. Hiện tại, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Vì thế, niềm tin hiện rất thấp. Những sự kiện này cho thấy Myanmar vẫn là một điểm đến nguy hiểm với đầu tư nước ngoài", ông nói.
Lĩnh vực sản xuất có thể hứng chịu hậu quả rõ nét. Hàng hóa "Made in Myanmar" có thể sẽ thu hút ít người mua hơn, Htwe Htwe Thein nói.
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như khu công nghiệp hay đặc khu kinh tế, cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong đó, Trung Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất vào các cơ sở này.
Kirin Holdings là công ty Nhật Bản đầu tiên lên tiếng phản đối vụ đảo chính quân sự. Họ đã thông báo sẽ chấm dứt hai liên doanh tại Myanmar.
Các công ty Nhật Bản cũng đã đổ 1,7 tỷ USD vào Myanmar kể từ năm 2011. Các hãng xe Nhật, như Suzuki Motor hay Toyota Motor tham gia thị trường này từ sớm và đang trong quá trình tăng hiện diện. Dù vậy, Toyota tháng trước đã ngừng kế hoạch mở nhà máy mới tại Myanmar, do bất ổn chính trị tăng cao sau đảo chính.
Còn với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar – giới quan sát cho rằng nước này sẽ tăng hiện diện tại đây. "Trung Quốc muốn trở thành người chơi lớn hơn trong khu vực. Họ muốn có quan hệ gần gũi, hiệu quả với các nước láng giềng, trong đó có Myanmar. Vì thế, Myanmar sẽ không bị loại khỏi kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đâu", Andrew Delios – Giáo sư chiến lược và chính sách tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
"Thậm chí, Myanmar có thể còn được ưu tiên hơn. Do quốc gia này nằm ở vị trí kết nối các khu vực của châu Á với thế giới, đồng thời đóng vai trò trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc", ông nói.
Jason Yek – nhà phân tích rủi ro quốc gia tại Fitch Solutions cũng cho rằng chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc vẫn sẽ triển khai các dự án tại Myanmar. Tuy nhiên, tốc độ của quá trình này có thể sẽ chậm lại. Theo số liệu chính thức của Myanmar, Trung Quốc đến nay đã rót 21,5 tỷ USD vào quốc gia này.
Myanmar được đánh giá là không phải đất nước dành cho người yếu tim. Rủi ro đảo chính quân sự tại đây luôn hiện hữu. Đây đã là lần đảo chính thứ 3 tại Myanmar kể từ năm 1962.
Tuy nhiên, Yek cho rằng tác động của cuộc đảo chính với các nước khác sẽ không lớn. "Myanmar có mức độ hội nhập ra bên ngoài khá thấp. Quốc gia này chỉ mới chấm dứt chính quyền quân sự năm 2011. Vì thế, từ quan điểm của một nước đầu tư, FDI vào Myanmar nói chung chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Thương mại cũng vậy. Myanmar không phải là đối tác thương mại lớn với các nước khác".
Dù vậy, một số nước lại lo ngại về các lệnh trừng phạt hơn. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/3 cảnh báo áp thêm trừng phạt với chính quyền quân đội Myanmar nếu họ tiếp tục dùng vũ lực với người biểu tình. Supant Mongkolsuthree – Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết trên Nikkei Asia rằng: "Chúng tôi không quá lo ngại về thương mại biên giới. Điều chúng tôi lo lắng là các lệnh trừng phạt từ phương Tây có thể ảnh hưởng đến đầu tư của Thái Lan tại Myanmar".
Amata – hãng bất động sản lớn nhất Thái Lan tháng trước cho biết sẽ ngừng một dự án ở Yangon, do nhà đầu tư quyết định chờ theo dõi tình hình. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhì của Myanmar, xuất khẩu 3,2 tỷ USD và nhập khẩu 2,2 tỷ USD năm 2019, theo số liệu của ASEAN. Họ cũng rót hơn 1 tỷ USD vào nước này giai đoạn 2015 – 2020.
Dù vậy, ngoài đảo chính, giới quan sát cho rằng một vấn đề khác của Myanmar, là quốc gia này nổi tiếng có môi trường kinh doanh khó khăn lúc ban đầu. Mấu chốt nằm ở khả năng quản trị, dù có đảo chính hay không. "Vừa có chính quyền quân sự, vừa tăng trưởng kinh tế nhanh không hoàn toàn bất khả thi", Michael Witt – Giáo sư tại Đại học INSEAD nhận định.
"Hình thức nắm quyền không phải là vấn đề. Chính quyền quân sự nếu có chính sách đúng đắn thì vẫn rất tốt cho tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Các doanh nghiệp tại đây cũng gặp phải nhiều thách thức về mặt cấu trúc. Bryan Tse – nhà phân tích thị trường khu vực châu Á tại EIU cho biết Myanmar bị nhiều doanh nghiệp phàn nàn vì chậm cải tổ, đặc biệt là trong việc mở cửa các ngành chủ chốt và cải thiện thủ tục hành chính, quy định.
"Có những điểm thực sự không liên quan đến quân đội. Mà là Myanmar thiếu khả năng quản trị, chuyên môn và nguồn tài chính cần thiết để thực hiện những thay đổi một cách hiệu quả", ông nói.
Hà Thu/vnexpress.net
https://vnexpress.net/dao-chinh-ac-mong-cua-nha-dau-tu-tai-myanmar-4242266.html