Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu kép, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã thành công bước đầu: Không để dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn và kinh tế tăng trưởng cao.
Nhờ chủ động được nguồn cung nguyên phụ liệu, nối lại thị trường xuất khẩu nên từ đầu năm 2021 các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Thái Nguyên đẩy mạnh sản xuất
Nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, là trung tâm các tỉnh trung du miền núi phía bắc, trung tâm lớn thứ ba cả nước về y tế, giáo dục, sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu vươn lên, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã thu hút 161 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài( FDI) với tổng vốn đăng ký gần 8,6 tỷ USD; phát triển hơn bảy nghìn doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 100 nghìn tỷ đồng. Những năm gần đây, quy mô kinh tế tăng nhanh, giá trị xuất khẩu đứng thứ tư cả nước.
Là tỉnh có quy mô kinh tế và giá trị xuất, nhập khẩu lớn nên khi đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 làm cho chuỗi cưng ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy. Mặt khác, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp; nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, hàng nghìn lưu học sinh quốc tế học tập; đầu mối giao lưu, tiếp giáp với các trung tâm lớn về công nghiệp, dịch vụ nên nguy cơ dịch bệnh Covid- 19 xuất hiện, lây lan trên địa bàn là rất lớn. Nhưng nhờ biện pháp, cách làm phù hợp, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu kép.
Đến nay, nước ta đã trải qua ba đợt dịch Covid-19 bùng phát, ngay từ đầu tỉnh Thái Nguyên xác định việc phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân, cộng đồng và là điều kiện để phát triển kinh tế nên cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc với những biện pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn nên đến nay dịch Covid-19 không xuất hiện trên địa bàn.
Không để dịch bệnh xâm nhập là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thái Nguyên phát triển kinh tế, tạo môi trường để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Khi dịch Covid-19 lây lan tại nhiều quốc gia, thương mại thế giới bị đình trệ, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tỉnh Thái Nguyên có phần lúng túng do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, xuất khẩu “đóng băng”. Nhưng sau đó, nhiều doanh nghiệp đã từng bước vượt khó, biến nguy thành cơ.
Là doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn với hơn 15 nghìn cán bộ, công nhân, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, xuất khẩu bị ắch tắc, nhưng công ty này đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất để cung ứng hàng hoá cho thị trường và để tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG chia sẻ: “Ngay khi dịch xuất hiện, xuất khẩu ắch tắc, nhận thấy nhu cầu rất lớn của thị trường, chúng tôi đã khẩn trương chuyển hướng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và bộ đồ y tế phòng dịch. Bước vào làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Việt Nam, TNG lại tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế ba lớp, năm lớp; đồng thời đẩy mạnh sản xuất quần áo bảo hộ phòng dịch xuất khẩu. Với sự nỗ lực đó, TNG giữ được đà tăng trưởng, năm 2020 hoàn thành kế hoạch doanh thu kỳ vọng, việc làm, đời sống công nhân được duy trì”.
Nắm bắt thời cơ sau khi dịch tạm lắng, khôi phục thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại duy trì, để mở rộng thị trường, năm 2021 TNG phấn đấu doanh thu đạt sáu nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2020. Đến nay TNG đã ký các đơn hàng đến hết tháng 6- 2021, đưa tất cả 13 nhà máy may sản xuất hết công suất; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy sản xuất lều cắm trại tại TNG Phú Bình, Nhà máy sản xuất bông, bao bì TNG Sông Công vào hoạt động thời gian tới và đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu sang thị trường EU.
Là doanh nghiệp nhập khẩu than mỡ, than cốc, sản xuất vật liệu phục vụ luyện thép, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Công ty TNHH Trung Thành Thái Nguyên gặp không ít khó khăn, nhưng ngay sau đó lãnh đạo công ty nhận ra dịch bệnh lại là thời cơ để phát huy lợi thế ngành nghề kinh doanh để mở rộng xuất, nhập khẩu.
Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành Nguyễn Xuân Tốt cho biết: Được sự ủng hộ của ngân hàng, trên cơ sở đối tác tin cậy, chúng tôi đã phát huy các bạn hàng truyền thống tại Nga, Úc để tăng cường nhập khẩu than mỡ, than cốc cung cấp cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang thiếu nhiên liệu này do nguồn cung bị đứt gãy. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạch chịu lửa nên doanh thu năm 2020 đạt hơn năm nghìn tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2019.
Tỉnh có biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập để bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo, hỗ trợ nhau trong dịch bệnh bằng cách đẩy mạnh mua và bán cho nhau, hàng hoá đầu ra của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác nên khó khăn trước mắt được tháo gỡ, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Trong đại dịch, sản xuất công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp vẫn tiếp tục duy trì, có bước phát triển nên năm 2020 nền kinh tế của Thái Nguyên tăng trưởng 4,24%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 800 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD (đứng thứ tư cả nước), thu ngân sách đạt hơn 15.600 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tạo thêm việc làm cho 15,6 nghìn người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 41 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm trước, bảo đảm an sinh xã hội.
Hai tháng đầu năm 2021, dù có đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, nhưng tỉnh Thái Nguyên không để dịch xâm nhập và duy trì tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là nhờ chủ động nguồn nguyên vật liệu, mở rộng xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất trong điều kiện bình thường mới nên giá trị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt 5,87 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Thế Bình/nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/kinh-te-thai-nguyen-van-tang-truong-cao-du-dich-covid-19-637553/