Phát triển đồng bộ, hiệu quả các vùng kinh tế

Thứ 7, 20.03.2021 | 14:51:16
389 lượt xem

Hiện nay, cả nước có bốn vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), gồm vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ miền trung, vùng KTTĐ phía nam và vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng số 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đảng và Nhà nước xác định đây là các vùng động lực làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước.

Một góc TP Đà Nẵng, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Hình thành các đầu tàu kinh tế

Về tư duy, quan điểm phát triển kinh tế vùng gắn liền với việc quản lý kinh tế của đất nước 35 năm đổi mới, được Đảng và Nhà nước quan tâm từ nhiều năm nay thông qua việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư và triển khai thực hiện. Từ năm 1997, Chính phủ đã có các quyết định thành lập ba vùng KTTĐ, gồm vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ miền trung và vùng KTTĐ Nam Bộ (nay là vùng KTTĐ phía nam) nhằm hình thành động lực tăng trưởng, tạo sự lan tỏa ở các địa phương khác. Năm 2009, Chính phủ ban hành quyết định thành lập vùng KTTĐ ĐBSCL. Bên cạnh đó, cả nước có bảy vùng kinh tế lớn. Để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24-11-2015 về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng KTTĐ giai đoạn 2015 - 2020 (Hội đồng vùng), thay thế Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 28-9-2004 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Gần đây nhất là Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12-6-2020 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025...

Về pháp lý, chủ trương phát triển các vùng kinh tế, nhất là vùng KTTĐ được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp năm 2013 và trong các văn kiện đại hội đảng. Luật Quy hoạch năm 2017 cũng quy định cụ thể các nội dung về quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Có thể nói rằng, từ chủ trương đến quy định pháp lý đều thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ về phát triển các vùng kinh tế để nâng cao hiệu quả về mặt lợi thế của từng địa bàn. Trong những năm qua, các vùng KTTĐ đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2019, cả bốn vùng KTTĐ đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế. Các vùng KTTĐ là các cực tăng trưởng quan trọng, thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước. Cứ 1% tăng trưởng của bốn vùng KTTĐ sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%.

Nhưng trên thực tế, các vùng KTTĐ chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để tận dụng thời cơ và cơ hội phát triển. Vấn đề liên kết phát triển vùng cho đến nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Những hạn chế này có nguyên nhân cả từ thể chế và quá trình thực thi, thể hiện ở những điểm lớn như sau: Trước hết, tuy chúng ta có chủ trương khai thác, phát triển kinh tế vùng nhưng tư duy kinh tế tỉnh theo ranh giới hành chính vẫn mang tính chất chủ đạo. Nghĩa là, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao chỉ tiêu ngân sách, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư... đều trên cơ sở kế hoạch của từng địa phương, chưa có ý niệm vùng. Thậm chí vẫn còn quan điểm về cơ cấu kinh tế của từng địa phương dựa trên địa giới hành chính. Vì vậy, từ cấp ủy đến lãnh đạo địa phương nào cũng phải lo chăm sóc kinh tế trên địa bàn địa phương mình, từ chỉ tiêu thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng đến thu ngân sách... Đây là nguyên nhân sâu xa nhất, căn bản nhất. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế vùng, phải hình thành và đánh giá cụ thể những thế mạnh, yếu tố tạo nên lợi thế gắn kết kinh tế vùng. Nhưng khi xác định địa bàn vùng, chúng ta chưa đánh giá kỹ những nhân tố, yếu tố hình thành vùng cho nên các vùng kinh tế ban đầu được thành lập gồm một số địa phương, sau đó mở rộng dần nhưng yếu tố liên kết phát triển lại hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng khác là vấn đề giao thông thiếu kết nối nội vùng và liên vùng, hạn chế này bộc lộ rất rõ ở vùng KTTĐ phía nam.

Khắc phục điểm yếu liên kết phát triển vùng

Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế vùng, trong đó có vùng KTTĐ, cần khắc phục cho được những hạn chế, tồn tại nêu trên. Theo đó, giải pháp đầu tiên là triển khai thực hiện Luật Quy hoạch về quy hoạch vùng trên cơ sở xác định lại khoa học hơn, thực tiễn hơn các vùng kinh tế, kể cả phạm vi các vùng KTTĐ. Cụ thể là xác định lại ranh giới địa bàn các vùng kinh tế dựa trên nhân tố cấu thành vùng cả trên cơ sở khoa học lẫn yêu cầu từ thực tiễn. Từ đó, rà soát lại phạm vi ranh giới địa bàn các vùng hiện nay để ưu tiên tập trung quy hoạch vùng. Đặc biệt, trong quy hoạch vùng phải hình thành cho được bốn mối quan hệ liên kết phát triển vùng. Một là, về phân bố lực lượng sản xuất: Quy hoạch phải hình thành phân bố lực lượng sản xuất trên địa bàn vùng, hiểu nôm na là xác định chỗ nào trồng cây gì, nuôi con gì, chỗ nào làm cảng, làm công nghiệp, làm dịch vụ... Những nhân tố ghi trong Luật Quy hoạch vùng phải phân bố trên địa bàn vùng, không phân bố theo địa bàn tỉnh. Hai là, vấn đề liên kết phát triển vùng: Trên cơ sở quy hoạch, phải hình thành cho được hệ thống giao thông chung kết nối nội vùng và kết nối liên vùng. Nếu không có hệ thống giao thông kết nối thì liên kết kinh tế không thể hình thành. Ba là, hình thành xây dựng một thị trường lao động chung và đào tạo nguồn nhân lực chung cho toàn vùng chứ không phải theo địa giới hành chính. Thí dụ, đối với vùng KTTĐ phía nam thì Đại học Quốc gia và các trung tâm đào tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có vai trò phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực và hình thành thị trường lao động chung cho cả vùng. Bốn là, mối liên kết trong quy hoạch về vấn đề bảo vệ môi trường chung, kể cả vấn đề quy hoạch các nghĩa trang, các trung tâm xử lý chất thải... trên địa bàn vùng. Bốn mối quan hệ đó thể hiện trên bản đồ quy hoạch. Từ bản đồ này, các địa phương dựa trên thế mạnh của mình để hình thành những hoạt động kinh tế chủ lực, nơi là công nghiệp, nơi làm dịch vụ... Như vậy bảo đảm quản lý kinh tế theo tỉnh nhưng cơ cấu kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất nhìn trên quan điểm vùng.

Một vấn đề rất quan trọng là điều phối phát triển vùng kinh tế. Như chúng ta đã biết, phân cấp hành chính Việt Nam hiện gồm ba cấp: chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp huyện, quận, thị xã; cấp xã, phường, thị trấn, không có chính quyền cấp vùng. Sợi dây liên kết chính quyền các địa phương cấp tỉnh trong vùng kinh tế chính là hội đồng vùng. Do đó, những hoạt động liên quan vùng nên chăng khi có những vấn đề liên quan phân bố theo vùng thì hội đồng vùng phải ngồi lại để thống nhất với nhau trước khi các cơ quan có thẩm quyền bàn thảo. Thí dụ, đầu tư một công trình quy mô cấp vùng như cảng hàng không, đường giao thông... thì hội đồng vùng cần thảo luận ý kiến trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Chỉ như vậy hội đồng vùng mới có trách nhiệm. Còn như hiện nay, còn tình trạng địa phương nào cũng phải lo cho lợi ích của mình, không thể lo cho vùng được cho nên tính liên kết rất yếu.

Về tư duy, chúng ta đã hình thành các vùng KTTĐ là phải chấp nhận phát triển không đều trong một giai đoạn nhất định. Phải tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm; áp dụng một số cơ chế thông thoáng hơn ở các địa bàn này để kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, nhanh hơn, từ đó lan tỏa tới các địa bàn khác. Khi đã hình thành các vùng KTTĐ mà áp dụng cơ chế cào bằng để cùng đi lên thì trọng điểm không còn là trọng điểm. Bốn vùng KTTĐ với 24 địa phương như hiện nay đều là những địa bàn có lợi thế phát triển mạnh, nhưng chỉ khi được tạo động lực để phát triển nhanh với tốc độ cao (khoảng gấp rưỡi tốc độ bình quân của cả nước), các vùng KTTĐ mới kéo nền kinh tế đi lên được. Trong thời gian tới, cần tập trung nguồn lực cho các vùng KTTĐ, ưu tiên tháo gỡ những nút thắt về cơ chế đầu tư và đất đai. Thí dụ, những năm gần đây nổi lên một số điểm nghẽn về đầu tư công. Các cơ quan quản lý nhà nước khi thụ lý các vấn đề liên quan đầu tư công cần ưu tiên giải quyết trước cho các vùng KTTĐ. Ngân sách đầu tư là hữu hạn nhưng phải ưu tiên phân bổ vốn trước cho những công trình tạo sức bật ngay ở địa bàn vùng KTTĐ để các dự án, công trình sớm đi vào hoạt động, đóng góp cho tăng trưởng, tạo sức lan tỏa. Các địa bàn, công trình khác không phải trọng điểm, không cấp thiết có thể chậm một thời gian. Những cơ chế, chính sách mới về đầu tư công và đầu tư theo phương thức công - tư (PPP) cũng cần ưu tiên áp dụng vào xây dựng hạ tầng giao thông cho các vùng KTTĐ để tạo sức bật cho tăng trưởng. Vì những địa bàn này có tính năng động hơn, có lợi thế hấp dẫn đầu tư hơn và cũng là nơi tạo nguồn thu tốt nhất cho ngân sách nhà nước. Đơn cử, vùng KTTĐ phía nam hiện đóng góp lớn nhất vào GDP và thu ngân sách nhà nước, tương ứng với mức đóng góp 38% GDP và hơn 45% ngân sách nhưng hệ thống giao thông nhiều năm nay ở trong tình trạng bất cập, kém cỏi vì thiếu vốn đầu tư. Điểm nghẽn này cần được tập trung xử lý trong giai đoạn tới để tăng trưởng vùng KTTĐ phía nam bật lên tương xứng với tiềm năng. Trong đó, một số địa bàn như Tây Ninh, Bình Phước có dự trữ đất cho công nghiệp rất lớn nhưng chưa phát triển được vì giao thông đường bộ thiếu sự kết nối với cảng biển. Giải quyết được điểm nghẽn này chính là tránh được phí tổn cơ hội trong đầu tư.

Từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quá trình triển khai trong thực tiễn 30 năm qua, chúng ta đã nhận thức rõ những bài học thành công và tồn tại, hạn chế về phát triển hiệu quả, đồng bộ các vùng kinh tế trở thành các cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đó chính là nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế ở từng địa bàn.


TS TRẦN DU LỊCH Chuyên gia kinh tế

Theo nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/phat-trien-dong-bo-hieu-qua-cac-vung-kinh-te-639122/


  • Từ khóa