Hiện nay, trên địa bàn có 2 cửa hàng OCOP. Đây là một trong những kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP rất tiềm năng. Tuy nhiên, các cửa hàng trên vẫn chưa thể phát huy hết lợi thế do nhiều nguyên nhân.
Đến nay, toàn tỉnh có 30 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Cùng với xây dựng các sản phẩm OCOP, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, xúc tiến nhằm tạo điều kiện quảng bá cũng như tiêu thụ các sản phẩm. Qua đó, một số doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chương trình OCOP. Đồng thời, 2 doanh nghiệp đã được tạo điều kiện để xây dựng 2 cửa hàng chuyên bán sản phẩm OCOP với mục tiêu gắn hoạt động kinh doanh kết hợp với quảng bá sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hiệu quả quả chưa đạt so với kỳ vọng.
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại cửa hàng OCOP số 211, đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn
Đơn cử cửa hàng OCOP tại số 211 đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn có trên 100 sản phẩm được bày bán. Trong đó có khoảng 20 sản phẩm OCOP của tỉnh và trên 20 sản phẩm OCOP của một số tỉnh khác. Cửa hàng đi vào hoạt động từ năm 2019, do Công ty TNHH Hà Châu Lạng Sơn quản lý. Mục tiêu của cửa hàng là bán trên 5.000 sản phẩm mỗi tháng. Tuy nhiên, đến nay, lượng khách đến mua sắm trực tiếp tại cửa hàng trên chỉ đạt khoảng 10 lượt mỗi ngày. Qua các kênh bán, cao điểm cửa hàng chỉ có thể tiêu thụ khoảng 1.000 sản phẩm/tháng.
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hà Châu Lạng Sơn cho biết: Các sản phẩm OCOP có lợi thế rất lớn là chất lượng cao, nguồn gốc và quy trình sản xuất rõ ràng, đảm bảo an toàn. Hiện nay, cửa hàng là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP của các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, lượng khách mua còn rất hạn chế do nhiều người chưa hiểu hết về lợi ích khi sử dụng các sản phẩm OCOP.
Vắng khách cũng là tình trạng tại cửa hàng OCOP của Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp xanh An Gia tại số 28, đường Phan Huy Ích, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Lượng khách tại đây chỉ đạt trung bình dưới 10 lượt khách/ngày.
Tìm hiểu thực tế tại các cửa hàng, chúng tôi được biết: một trong những nguyên nhân chính khiến các cửa hàng OCOP chưa phát huy hết lợi thế là do còn nhiều người tiêu dùng chưa hiểu rõ về sản phẩm OCOP. Nhiều người vẫn chọn mua các sản phẩm thông thường cùng loại do có giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, nhân viên tại các cửa hàng vẫn còn khá lúng túng khi được hỏi về các sản phẩm, chưa phát huy được vai trò người tư vấn đến khách hàng về sản phẩm OCOP. Đồng thời, một số sản phẩm OCOP có bao bì, tem mác chưa thực sự ấn tượng, khó thu hút khách hàng.
Cùng với đó, các cửa hàng chưa thực sự chủ động trong khâu kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Ông Vương Triệu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp xanh An Gia cho biết: Hiện nay, đơn vị chưa có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp du lịch, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Do đó, chưa nắm bắt được các tour du lịch từ các tỉnh, sản phẩm vẫn chưa thể đi vào các trung tâm thương mại, siêu thị, dẫn đến công tác quảng bá, tiêu thụ chưa phát huy hết hiệu quả.
Cùng những nguyên nhân trên, hiện nay, vẫn thiếu chính sách hỗ trợ, khai thác lợi thế từ các cửa hàng OCOP trên địa bàn. Phần lớn chỉ tập trung hỗ trợ, quảng bá các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP. Trong khi đó, các cửa hàng OCOP là một trong những kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rất tiềm năng.
Hiện nay, mục tiêu chương trình OCOP của tỉnh là đến năm 2030 sẽ xây dựng được 12 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Để làm được điều này, việc khai thác lợi thế từ 2 cửa hàng OCOP “tiên phong” trên địa bàn là rất cần thiết.
Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: Các cửa hàng OCOP là nhân tố quan trọng trong chương trình OCOP. Để phát huy lợi thế các cửa hàng OCOP, trong thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng, tham mưu cho sở tổ chức các kế hoạch tuyên truyền về các cửa hàng đến với người dân, khách du lịch. Đồng thời, hỗ trợ hơn nữa để các cửa hàng OCOP và doanh nghiệp du lịch có điều kiện tiếp cận, trao đổi lẫn nhau. Tuy nhiên, các cửa hàng OCOP cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất, kiến nghị để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, cần xây dựng các chiến lược quảng bá, kinh doanh phù hợp để phát huy hết tiềm năng.
Bên cạnh giải pháp hỗ trợ của ngành chức năng đối với các cửa hàng OCOP, các cơ sở sản xuất OCOP cũng cần nỗ lực hơn trong việc cải thiện chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Qua đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP, góp phần mở rộng thị trường.
GIA KHÁNH/BAOLANGSON.VN