Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ 4, 24.03.2021 | 15:01:42
1,626 lượt xem

Những năm gần đây, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo đúng chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai những dịch vụ thanh toán tiện ích, an toàn, hợp lý.

Sau 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, 100% cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại đều đã kết nối với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi cho khách hàng. Tại một số cửa hàng, việc thanh toán qua mã QR còn giúp khách hàng được giảm 5 đến 10% giá trị hóa đơn.

Khách hàng thanh toán qua thẻ tại Siêu thị Vinmart, thành phố Lạng Sơn

Tại siêu thị Vinmart Lạng Sơn, những năm qua, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong quá trình hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ông Lê Quang Thuấn, Giám đốc siêu thị cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày, siêu thị có khoảng 800 đến 1.000 lượt khách hàng. Trong đó, lượng khách thanh toán qua thẻ chiếm 30%, tăng bình quân từ 10%/năm. Ngoài ra, để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, siêu thị hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng VinID trên điện thoại di động để mua sắm và thanh toán qua ứng dụng một cách nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị được mở thẻ VinID, tích lũy 1%/hóa đơn, trung bình mỗi tháng có khoảng 3.000 khách hàng sử dụng thẻ khách hàng VinID.

Bên cạnh các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, toàn tỉnh có 15 ngân hàng thương mại, các ngân hàng đã hỗ trợ lắp đặt 355 máy POS tại các địa điểm kinh doanh thương mại – dịch vụ (tăng 14 máy so với cuối năm 2020) và 83 cây ATM đang hoạt động, phục vụ nhu cầu gửi, rút tiền; chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa – dịch vụ của người dân.

Cùng đó, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển ứng dụng trên Internet banking và Mobile   banking. Theo đó, khách hàng chỉ cần có tài khoản của ngân hàng là có thể thực hiện các hoạt động mua sắm trực tuyến, trong đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích mà các ngân hàng triển khai như: thanh toán hóa đơn điện, nước; dịch vụ viễn thông; nộp bảo hiểm xã hội; nộp thuế; đặt vé máy bay, nạp tiền điện thoại…

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn), đến nay, chi nhánh đã phát hàng khoảng 40.000 thẻ ATM và kết nối với hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh với 89 máy POS đang hoạt động (trung bình tăng 15 máy/năm). Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, chi nhánh không ngừng phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh vấn đề bảo mật, an toàn, tiện ích cho người sử dụng. Với khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến luôn được hưởng mức phí ưu đãi hơn so với giao dịch tại quầy, như phí giao dịch chuyển tiền, gửi tiết kiệm…

Chị Nguyễn Thu Trang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Do công việc của tôi khá bận rộn, không có nhiều thời gian nên các khoản chi phí của gia đình như: cước di động, điện, nước, Internet, truyền hình…, tôi chọn cách thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ngay cả việc mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện ích hay đặt vé xem phim, vé máy bay, tôi cũng thường xuyên thanh toán qua thẻ hoặc qua ứng dụng trên điện thoại.

Với những tiện ích của ngân hàng điện tử, người dân trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Để đẩy mạnh chương trình, ngày 8/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về thực hiện thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, theo đó, thực hiện thí điểm chi trả  trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc từ tháng 4 đến tháng 12/2021. Quyết định nhằm tác động tích cực đến đa dạng tầng lớp dân cư tiếp cận việc thanh toán, tiêu dùng không dùng tiền mặt.

Theo xu hướng phát triển hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng như phát triển thương mại điện tử mang tính tất yếu. Chính vì vậy, các cơ sở kinh doanh cũng như các tổ chức, cá nhân cần quan tâm, cập nhật để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội


KIM HUYÊN - MAI LINH /BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/kinh-te/411038-phat-trien-dich-vu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat.html

  • Từ khóa