Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TU ngày 11/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2020, công tác phát triển rừng ở huyện Lộc Bình có nhiều chuyển biến rõ nét.
Lộc Bình có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 88.000 ha, chiếm trên 89% diện tích tự nhiên, đây là thế mạnh lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp huyện. Ngay khi Nghị quyết 29 được ban hành, cấp ủy, chính quyền huyện đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp để thực hiện, trong đó công tác tuyên truyền được huyện chú trọng. Từ cuối năm 2011 đến nay, toàn huyện đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cơ chế chính sách trong phát triển lâm nghiệp với tổng số 336 cuộc với hơn 11.000 lượt người nghe.
Người dân huyện Lộc Bình chăm sóc rừng bạch đàn
Song song với công tác tuyên truyền, việc rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền dụng đất được UBND huyện phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai. Đến nay, huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 10.683/11.276 hộ với diện tích trên 31.500 ha. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ chủ động khai thác và sử dụng đất để phát triển kinh tế rừng.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư trồng rừng, phổ biến cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào trồng rừng. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2020, cùng với nguồn vốn gần 21 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đối ứng 9 tỷ đồng để trồng rừng. Đồng thời, UBND huyện chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tiên tiến trong phát triển kinh tế đồi rừng như mô hình cây ăn quả ở các xã: Xuân Mãn, Hữu Khánh, Tú Đoạn… và phát triển mô hình trồng thông tại các xã: Yên Khoái, Tú Mịch, Hữu Khánh…
Nhờ bám sát nghị quyết và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp của huyện Lộc Bình có bước phát triển tương đối toàn diện, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Cụ thể, diện tích rừng trồng mới không ngừng tăng lên, giai đoạn 2011 – 2020, diện tích rừng trồng mới toàn huyện đạt gần 13.000 ha, góp phần nâng độ che phủ rừng từ 50% (năm 2011) lên 64% (năm 2020); giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt 250 đến 350 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 5%/năm, tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành chiếm từ 25 đến 30%.
Bên cạnh đó, huyện đã hình thành 2 vùng sản xuất chuyên canh gồm: vùng sản xuất chuyên canh thông với diện tích 40.000 ha, vùng sản xuất chuyên canh cây bạch đàn với diện tích khoảng 1.350 ha; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tiên tiến trong phát triển đồi rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình với thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm.
Ông Triệu Tiến Phúc, thôn Đoàn Kết, xã Ái Quốc cho biết: Năm 2008, tôi đầu tư trồng trên 5,5 ha thông. Sau hơn 10 năm, cây đã cho lấy nhựa, 5 năm trở lại đây, năm nào, gia đình cũng thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, được UBND xã tuyên truyền và cán bộ chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật trồng rừng, năm 2019, gia đình tôi trồng thêm 5 ha cây keo để tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển rừng sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị của rừng, đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, liên kết hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện trồng mới trên 5.000 ha rừng, nâng độ che phủ lên 67%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5 đến 5,5%/năm…
Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2011 – 2020 đã góp phần quan trọng tăng hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội huyện Lộc Bình; tạo đà để huyện tiếp tục phát huy thế mạnh về lâm nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2025.
Hồ Dung/Baolangson.vn