Từ ngày 18/2 đến ngày 7/4/2021, huyện Chi Lăng có 30 con lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn 2 thôn của xã Vân An. Trước diễn biến đó, các ngành chức năng của huyện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khống chế ổ bệnh ngay trong diện hẹp.
Ngày 18/2, tại thôn Túng Mẩn, xã Vân Thủy có 2 con lợn của hộ ông Lăng Văn Bố bị chết. Qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân do lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, các hộ trên địa bàn 2 thôn: Túng Mẩn và Tà Sản tiếp tục có lợn chết rải rác từ tháng 2 đến nay. Gần đây nhất là 5 con lợn nhà ông Lăng Văn Lắn, thôn Túng Mẩn chết vào ngày 2/4. Như vậy, từ giữa tháng 2/2021 đến nay, trên địa bàn xã có tổng cộng 30 con lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Người dân thôn Tà Sản, xã Vân Thủy phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng nuôi lợn của gia đình
Ông Lăng Văn Bố cho biết: Ngay khi có lợn bị chết, tôi đã liên lạc với trưởng thôn để thông báo với thú y viên xã lấy mẫu xét nghiệm và mang lợn chết đi tiêu hủy. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn, rắc vôi bột, san lấp hố thải… để hạn chế tối đa khả năng mầm bệnh còn trong môi trường xung quanh.
Sau khi nhận được thông tin từ cơ sở, UBND huyện Chi Lăng đã có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với chính quyền xã khoanh vùng, xử lý ổ bệnh, không để lây lan ra diện rộng.
Ông Hoàng Ngọc Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Nhận được tin báo, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền cơ sở và các hộ chăn nuôi tiến hành nhiều biện pháp khoanh vùng, khống chế. Cụ thể, đã thực hiện tiêu hủy 30 con lợn nhiễm bệnh; rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng tại nơi tiêu hủy lợn và trong bán kính 300 m xung quanh khu vực chuồng nuôi có lợn chết; phát thuốc khử trùng cho các hộ khác để phun phòng ngừa. Đến nay, trung tâm đã sử dụng 400 kg vôi bột, phun và phát 42 lít thuốc sát khuẩn cho các hộ dân trên địa bàn 2 thôn…
Nhờ sự phản ứng nhanh, kịp thời của người dân, chính quyền cơ sở và các cơ quan liên quan, tình hình dịch bệnh đã tạm thời được khống chế. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, hiện trên địa bàn có khoảng 14.000 con lợn, chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ tại các gia đình. Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại tất cả các xã, thị trấn; năm 2020 diễn ra tại 10/20 xã, thị trấn. Do đó, mầm bệnh có khả năng vẫn tồn tại trong môi trường xung quanh các chuồng nuôi, từ thức ăn chăn nuôi và một số nguồn từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, trở thành nguyên nhân phát dịch khi người dân tái đàn mà không đảm bảo an toàn sinh học.
Hiện nay, tuy ổ bệnh đã tạm thời được khống chế nhưng để dập dịch hoàn toàn, UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ, triệt để hơn nữa. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trước mắt, chúng tôi tiếp tục triển khai những biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đến các từng thôn, bản và hộ dân; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi;… Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Trong hơn 2 năm qua, Chi Lăng là huyện chịu nhiều thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để phòng, chống bệnh dịch, ngoài các biện pháp theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thiết nghĩ các cấp, ngành, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo các mô hình hiệu quả, phù hợp để ngăn ngừa dịch bệnh và đảm bảo an toàn chăn nuôi theo hướng lâu dài.
ĐẶNG DŨNG/BAOLANGSON.VN