Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Bình Gia đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau 2 năm triển khai, chương trình có hiệu quả bước đầu, là cơ sở hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân
Gia đình anh Hứa Văn Thu, thôn Pàn Pẻn, xã Minh Khai làm miến dong từ nhiều năm trước. Năm 2019, được cơ quan chức năng huyện tuyên truyền về chương trình OCOP, gia đình anh đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho miến dong và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.
Người dân xã Minh Khai, huyện Bình Gia sản xuất miến dong
Anh Thu cho biết: Sau khi được chứng nhận, sản phẩm của gia đình được khách hàng tin tưởng, thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên… Nhờ đó, sản lượng sản xuất ra cũng cao hơn. Như năm 2019, gia đình tôi sản xuất và tiêu thụ 5 tấn miến dong; năm 2020, gia đình đã sản xuất, tiêu thụ gần 7 tấn với giá 60.000 đồng/kg, gia đình thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Năm 2021, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình tôi dự kiến sản xuất khoảng 10 tấn miến dong. Hiện tại, theo sự hướng dẫn của UBND xã, huyện, chúng tôi dự kiến liên kết với các hộ trong xã thành lập hợp tác xã (HTX) làm miến dong để nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mặc dù Bình Gia là huyện nghèo, điều kiện còn khó khăn nhưng sau khi tỉnh triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện.
Để tham gia chương trình, sản phẩm cần đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì nhãn mác, xuất xứ hàng hóa theo quy định… Chính vì thế, người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất. Từ yêu cầu đó, các phòng, ban chuyên môn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy định an toàn thực phẩm, triển khai mô hình sản xuất theo hướng VietGAP; phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn chuyên đề chương trình OCOP… Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã tổ chức 2 lớp đào tạo, tập huấn cho 357 lượt người.
Song song với đó, năm 2020, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP trên 700 triệu đồng, UBND huyện đã phân bổ hỗ trợ chủ thể của các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đồng thời hỗ trợ 16.000 tem truy xuất nguồn gốc; 9.800 bao bì, nhãn mác sản phẩm; xây dựng website quảng bá, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại…
Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc HTX Chè dưới tán hồi, thị trấn Bình Gia cho biết: HTX thành lập năm 2017 với 17 thành viên, diện tích sản xuất chè 35 ha. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng nguồn vốn chương trình OCOP được hỗ trợ, HTX đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư máy móc chế biến. Năm 2020, sản phẩm chè dưới tán hồi đạt OCOP 3 sao, nhờ đó, giá bán ổn định, sản lượng tăng 50% so với các năm trước.
Từ khi thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện có 5 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao gồm: chè dưới tán hồi; miến dong Minh Khai; rau cải làn; rau cải bắp; thạch đen Bình Gia. Việc thực hiện chương trình OCOP góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, mở ra cơ hội cho bà con tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Từ đó, tăng thu nhập cho bà con, hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng 23,4 triệu đồng so với năm 2016.
HỒ DUNG/BAOLANGSON.VN
https://baolangson.vn/kinh-te/414409-binh-gia-day-manh-thuc-hien-chuong-trinh-ocop.html