Hợp tác xã Thủy sản Lê Hồng Phong: Đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất

Thứ 6, 09.04.2021 | 14:58:22
1,464 lượt xem

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi thủy sản, từ năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Lê Hồng Phong (thị trấn Bắc Sơn) đã chủ động đầu tư một số trang thiết bị để phục vụ cho quá trình sản xuất. Bước đầu, những thay đổi trên đã mang lại hiệu quả tích cực.

Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX Lê Hồng Phong khoảng 21 ha mặt nước. Sản lượng cá của HTX đạt gần 20 tấn/năm. Với diện tích và quy mô sản xuất lớn, việc sử dụng hiệu quả nhân lực, thời gian, tiết kiệm chi phí sản xuất được Ban Giám đốc HTX đặc biệt quan tâm.

Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, khâu vận chuyển cá đi tiêu thụ rất nhiều bất cập. Do chưa qua sơ chế, chúng tôi phải sử dụng các dụng cụ như thùng chứa nước, máy bơm oxi để chất lượng cá không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển. Điều này dẫn đến chi phí vận chuyển rất cao.

Chế biến cám viên cho cá tại HTX Thủy sản Lê Hồng Phong

Để giải quyết vấn đề trên, từ năm 2020, Ban Giám đốc HTX đã chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và đầu tư xây dựng, lắp đặt nhà sơ chế sản phẩm với kinh phí gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn chủ động đầu tư mua tủ lạnh để bảo quản sản phẩm đã sơ chế.

Theo đó, sau khi thu hoạch, cá sẽ được rửa sạch, loại bỏ các phần thừa và được đưa vào máy đóng gói, hút chân không. Sản phẩm sau khi sơ chế có thể dễ dàng vận chuyển, bảo quản. Nhờ đó, chi phí khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ giảm 60% so với trước đây.

Cùng với đầu tư dây chuyền sơ chế cá, HTX còn đầu tư mua máy ép cám viên nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi. Công suất chế biến của máy khoảng 100 đến 120 kg/giờ. Theo các thanh viên viên, trước đây, mỗi ngày HTX sử dụng khoảng 120 kg các loại bột ngô, bột đậu tương, cá nghiền… làm thức ăn cho cá; lượng thức ăn này thường bị dư thừa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước. Với sản phẩm cám viên được ép bằng máy, cá ăn dễ hơn, thức ăn không bị dư thừa và mỗi ngày lượng thức ăn chỉ cần 80 kg. Đồng thời, khâu chế biến thức ăn cho cá chỉ cần 1 lao động với thời gian khoảng 1 tiếng/ngày (trước đây cần đến 3 người làm việc trong thời gian 3 tiếng/ngày).

Để đa dạng sản phẩm, hiện nay, HTX còn sử dụng máy móc để chế biến một số loại chả cá như: cá diêu hồng; cá rô phi; cá trắm… Cùng với đó, HTX phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho HTX Thủy sản Lê Hồng Phong. Năm 2020, doanh thu của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng. Thu nhập của lao động tại HTX đạt từ 5,5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: HTX Thủy sản Lê Hồng Phong là HTX đầu tiên trên địa bàn đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào lĩnh vực chăn nuôi thủy sản và đạt những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục vụ tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ HTX Lê Hồng Phong và các HTX thủy sản trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất. Qua đó, góp phần tạo sự chủ động cho các HTX trong việc đổi mới quy trình sản xuất, hướng đến phát triển hiệu quả, bền vững.

Hiện nay, HTX Thủy sản Lê Hồng Phong đang nỗ lực liên kết sản xuất với  4 HTX thủy sản khác tại huyện Bắc Sơn để xây dựng mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP. Theo đó, các HTX đã đồng nhất quy trình sản xuất, từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn cho đến khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và tiềm năng mở rộng thị trường của sản phẩm. Song song với đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi thủy sản sẽ tiếp tục được HTX đẩy mạnh đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất.


GIA KHÁNH/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/kinh-te/414455-hop-tac-xa-thuy-san-le-hong-phong-day-manh-co-gioi-hoa-nang-cao-hieu-qua-san-xuat.html

  • Từ khóa