Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp, qua đó tạo được đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Yên Thịnh là một xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp như trồng rau màu và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở về trước, đầu ra cho rau màu và hoa quả không ổn định, phụ thuộc vào các thương lái nên tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa xảy ra thường xuyên. Để sản phẩm nông nghiệp của người dân không còn bí đầu ra, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, thông qua HTX Sản xuất – dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh để ký hợp đồng với doanh nghiệp trong nước nhằm cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Thành viên HTX Sản xuất – dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh kiểm tra cây khoai tây
Vụ đông xuân năm 2020 – 2021, HTX Sản xuất – dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh đã liên kết với Công ty Nông nghiệp vàng triển khai trồng hơn 40 mẫu khoai tây. Theo đó, công ty cung ứng giống, phân bón cho HTX để trồng.
Ông Lê Văn Bảy, Giám đốc HTX Sản xuất – dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh cho biết: Đây là năm thứ hai, HTX liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm khoai tây. Năm trước, chúng tôi triển khai trồng 7,2 ha khoai tây và được Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Onion thu mua với giá hơn 7.000 đồng/kg. Thấy việc liên kết đạt hiệu quả cao, cùng với việc cam kết thu mua sản phẩm với giá cả hợp lý nên năm nay diện tích cây khoai tây đã tăng lên. Đến đầu tháng 4/2021, cây khoai tây cho thu hoạch đạt năng suất hơn 4 tạ/sào, với giá công ty thu mua đạt 12.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 đồng/kg so với vụ khoai tây năm trước.
Bên cạnh liên kết trồng khoai tây, thông qua HTX, hơn 30 hộ dân trên địa bàn cũng đã liên kết với Công ty Nông nghiệp vàng để trồng cây khoai lang với diện tích hơn 10 mẫu. Đến nay, cây khoai lang sinh trưởng tốt, dự kiến một tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Cùng đó, 21 hộ dân tại xã cũng đã ký kết với Công ty Cổ phần Cánh đồng vàng Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn) trồng 1,65 ha ớt, công ty hỗ trợ bà con giống, phân bón, kỹ thuật cũng như cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thu mua theo giá thị trường và không dưới 10.000 đồng/kg.
Ngoài cây khoai tây, khoai lang, xã Yên Thịnh còn triển khai liên kết tiêu thụ hoa quả trên địa bàn. Hiện toàn xã có trên 140 ha cây ăn quả, trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt hơn 100 ha, chủ yếu là na, nhãn. Trong những năm vừa qua, thực hiện liên kết, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh đã làm tốt vai trò “bà đỡ” cho nông dân tại địa phương trong liên kết với các tư thương để tiêu thụ hoa quả. Theo đó, mỗi năm, HTX thu mua trên 80 tấn na, hơn 30 tấn nhãn cho người dân với giá ổn định, giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất hơn.
Ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cho biết: Người dân trên địa bàn xã cũng rất năng động, nhạy bén đưa những giống mới cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thế nhưng đầu ra cho nông sản gặp khó khăn bởi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Trước tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thịnh đã tiến hành liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, trong 3 năm trở lại đây, việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp khá ổn định, hiệu quả. Riêng đối với cây na, trong 2 năm trở lại đây, các hộ dân đã chú trọng sản xuất na an toàn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm na trên địa bàn, hiện toàn xã có trên 40 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trước thực tế đầu ra của nông sản không ổn định, giá cả bấp bênh thì việc hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia liên kết, đặc biệt là người nông dân. Mong rằng, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều mối liên kết được hình thành để đảm bảo sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
CẨM HÀ/BAOLANGSON.VN