Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi…) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương phía bắc. Cây ăn quả có múi đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn. Nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Thu hoạch bưởi tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Bài 1: Mở rộng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn
Ðể thúc đẩy sản xuất cây ăn quả có múi, thời gian qua các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả có múi quy mô lớn, tập trung như: Cam Hàm Yên (Tuyên Quang), Cao Phong (Hòa Bình), Vinh (Nghệ An), Lục Ngạn (Bắc Giang); bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ); quýt (Bắc Kạn)… Do sản xuất tập trung, chăm sóc tốt, cơ cấu giống phong phú, trồng rải vụ nên ở một số nơi, cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng/ha/vụ.
Những mảnh đồi "vàng"
Vùng cây ăn quả có múi của tỉnh Tuyên Quang tập trung ở ba huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn. Trong đó cây cam sành được trồng chủ yếu ở Hàm Yên với diện tích 7.270 ha, Chiêm Hóa khoảng 1.000 ha. Ngoài ra, cây bưởi cũng phát triển mạnh trên đất Yên Sơn với diện tích khoảng 4.012 ha. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của các loài cây ăn quả có giá trị cao này, Tuyên Quang đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân. Cây cam sành từ lâu đã được trồng trên vùng đất Hàm Yên. Do phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên cây cam sành phát triển rất thuận lợi. Cam sành có trái to tròn, cuống lá nhỏ, khi vừa chín tới trái có mầu xanh sẫm, vỏ sần sùi. Cam Hàm Yên luôn mang hương vị đặc trưng riêng với những tép cam vàng mọng nước, thơm ngon, thanh mát. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình ở Hàm Yên đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá, giàu, có hộ đã trở thành tỷ phú. Năm 2020, huyện Hàm Yên có hơn 7.270 ha cam, trong đó cây cam sành chiếm hơn 79,43%, còn lại là các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh, cam V2. Vùng cam của huyện tập trung chủ yếu ở 13 xã, thị trấn với hơn 5.600 gia đình trồng cam. Trong đó, có 756 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 20 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ. Qua thống kê, trên địa bàn huyện hiện nay có 172 trang trại trồng cam (quy mô trang trại chủ yếu từ 2 đến 5 ha, cá biệt có một số diện tích khoảng 10 ha). Những năm trước, bình quân mỗi héc-ta cam cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/vụ.
Tại tỉnh Nghệ An, cây ăn quả có múi, nhất là cây cam là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Thương hiệu "cam Vinh" được coi là một trong những đặc sản xứ Nghệ và người tiêu dùng ưa chuộng. Là cây trồng truyền thống, người dân có nhiều kinh nghiệm và đã áp dụng khoa học kỹ thuật như trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới nhỏ giọt… nên cho năng suất cao, chất lượng tốt. Theo thống kê, hết năm 2020, Nghệ An có gần 10 nghìn ha cây có múi, trong đó cây cam là 4.734 ha, diện tích cho sản phẩm 3.791 ha, sản lượng 59.320 tấn. Niên vụ vừa qua, mặc dù giá cam giảm, bình quân từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg nhưng thu nhập vẫn đạt 150 đến 235 triệu đồng/ha; cá biệt có những diện tích cho năng suất từ 30 đến 40 tấn/ha, có thời điểm giá bán 25.000 đồng/kg, thu nhập 750 triệu đến một tỷ đồng/ha. Ngoài ra, cây quýt với diện tích hơn 1,5 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh gần 1,2 nghìn ha, năng suất đạt 131 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt 15.796 tấn. Mặc dù giá giảm nhưng thu nhập bình quân vẫn đạt từ 80 đến 120 triệu đồng/ha, có diện tích cho thu nhập từ 120 đến 200 triệu đồng/ha.
Ngoài cam Vinh, cam Xã Ðoài của Nghệ An cũng được biết đến nhiều, như trang trại cam Thiên Sơn của gia đình ông Trịnh Xuân Giáo với quy mô 20 ha cam ở xã Ðồng Thành, huyện Yên Thành. Ông Trịnh Xuân Giáo cho biết: Nhờ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP lại hợp thổ nhưỡng, chất lượng cam bảo đảm nên khách hàng luôn đặt mua số lượng lớn với mức giá khá cao từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg. Ước tính mỗi héc-ta cam ở đây cho thu nhập hơn một tỷ đồng/ha. Học tập cách làm ở trang trại cam Thiên Sơn, nông dân ở xã Ðồng Thành đã trồng được 150 ha cam với sản lượng 16 đến 20 tấn quả/ha.
Thúc đẩy liên kết sản xuất
Trung tuần tháng 3, về Lục Ngạn (Bắc Giang) có thể bắt gặp những vườn cam, bưởi đang nở hoa trắng xóa các vạt đồi, khu vườn, mùi hương thơm ngát báo hiệu một vụ bội thu. Ðã nhiều năm qua, cây cam, bưởi đã gắn với nông dân nơi đây, là nguồn thu nhập và cũng là cây làm giàu của họ. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam chia sẻ, "Lục Ngạn được coi là thủ phủ cây ăn quả, trong đó có cây có múi của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, toàn huyện có gần 7.000 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, bưởi. Nhằm phát triển bền vững cây ăn quả có múi, Lục Ngạn đã xây dựng xong bản đồ vùng trồng, qua đó xác định rõ từng loại đất để trồng những loại cây ăn quả phù hợp; lập sàn giao dịch thương mại điện tử đối với mặt hàng nông sản của huyện. Ðồng thời, huyện tổ chức các lễ hội cam, bưởi hằng năm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối và những thị trường ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đến liên kết sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị loại cây trồng này".
Chính nhờ những chính sách hỗ trợ sản xuất nên tại Lục Ngạn đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã với người dân, từ đó bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hồng Xuân, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) Phạm Văn Dũng cho biết, "HTX được thành lập từ năm 2008 với mục đích hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thêm lợi ích cho thành viên. Ðến nay, các thành viên trong HTX đang sản xuất gần 12 ha cây ăn quả có múi. Ðể bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX cũng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều gia đình khác ở trong và ngoài địa phương. Năm 2020, HTX đã tiêu thụ được hơn 3.500 tấn cam, bưởi, tạo việc làm thường xuyên cho 15 đến 18 lao động và 220 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng". Việc liên kết sản xuất không chỉ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây có múi mà người dân tham gia liên kết cũng được hưởng lợi nhiều từ mô hình này. Anh Giáp Văn Lịch, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) chia sẻ, "trước đây, gia đình tôi trồng vải, sau đó thấy tiêu thụ khó khăn nên chuyển sang trồng cây ăn quả có múi từ năm 2010. Hiện nay, gia đình trồng 4,7 mẫu cam với các loại giống như V2, V6, đường canh, Vinh và bưởi. Do có kinh nghiệm trong sản xuất nên diện tích cam, bưởi của gia đình luôn đạt năng suất cao. Năm 2018, do được mùa, được giá nên diện tích cam, bưởi của gia đình cho thu nhập khoảng 1,8 tỷ đồng; còn bình quân đạt khoảng 700 đến 800 triệu đồng".
Cùng với thúc đẩy liên kết, việc mở rộng thị trường tiêu thụ cũng đang được các địa phương quan tâm nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Hồng Yến những năm gần đây, cây ăn quả có múi của tỉnh tăng mạnh cả về diện tích cũng như sản lượng. Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất mang tính hàng hóa có điều kiện chăm sóc, thâm canh cao như: vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc. Ðến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 11.500 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích kinh doanh là 7.400 ha, sản lượng gần 160 nghìn tấn. Hiện nay, các sản phẩm cây ăn quả có múi tại địa bàn đang được thúc đẩy tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, kênh tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa các HTX, trang trại với các doanh nghiệp, siêu thị chiếm khoảng 18% sản lượng; tiêu thụ qua hệ thống thương lái, hợp tác với nhà vườn chiếm 60%; tiêu thụ qua kênh bán lẻ trực tiếp từ các nhà vườn chiếm khoảng 20%... Thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung tại Hà Nội, các tỉnh lân cận. Ðáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, thị trường tiêu thụ đã được mở rộng vào các tỉnh phía nam và một phần xuất sang Cam-pu-chia…
Theo Cục Trồng trọt, cây có múi hiện nay là nhóm có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta. Ðến nay, các tỉnh phía bắc có diện tích cây ăn quả có múi khoảng hơn 120 nghìn ha, trong đó cây cam chiếm hơn 45%, bưởi chiếm gần 40%... trong cơ cấu diện tích cây có múi toàn vùng. Với sự quan tâm, vào cuộc của các địa phương trong thời gian qua, đến nay có khoảng 10 sản phẩm cây ăn quả có múi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hà Giang, cam Cao Phong, quýt Bắc Kạn, bưởi Ðoan Hùng, bưởi Luận Văn, bưởi Phúc Trạch, cam Vinh, bưởi Tân Triều, bưởi Năm Roi Bình Minh, bưởi Da xanh Bến Tre, cam sành Hàm Yên. |
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Trung Hùng, Chung Giang và Hảo Châu/nhandan.com.vn