Xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thiện Long – xã vùng 3 của huyện 30a Bình Gia đã chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, đặc biệt là phát triển rừng quế. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Những ngày đầu tháng 4/2021, có dịp đến thăm xã Thiện Long, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng quế xanh bạt ngàn, hút tầm mắt trên những sườn đồi hai bên đường. Những đồi trọc, đồi cây bụi để hoang trước kia đã được người dân phủ xanh bằng những rừng quế.
Người dân xã Thiện Long chăm sóc rừng quế
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã, chúng tôi đến thăm mô hình trồng quế của gia đình ông Lý Văn Trung, thôn Thanh Bình, xã Thiện Long, đây là hộ đầu tiên phát triển mô hình trồng quế ở xã. Ông Trung chia sẻ: Năm 1998, tôi trồng 1.500 cây quế trên diện tích khoảng 1 ha. Sau 12 năm, cây đã có thể lấy gỗ, tôi bán và thu về 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2012, tôi quyết định đầu tư trồng 4 ha quế, nhờ tìm hiểu và chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng quế phát triển tốt. Đến nay, cây đã đến tuổi thu hoạch, tôi dự kiến bán từng đợt, thu hồi vốn và quay vòng trồng gối rừng mới chứ không bán hết một lượt. Hiện đã có khách đặt mua khoảng 1ha, giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/cây tùy thuộc vào chiều cao và độ dày của thân cây.
Cũng như gia đình ông Trung, gia đình ông Lý Văn Thăng, ở thôn Thanh Bình là một trong những hộ đã có thu nhập từ trồng quế phấn khởi cho biết: Năm 2001, tôi bắt đầu trồng 1.000 cây trên 0,5 ha, sau 10 năm, cây cho thu hoạch, tôi bán và thu về 100 triệu. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ quế mang lại, tôi mạnh dạn trồng thêm 1 vạn cây, nâng tổng diện tích rừng lên 5ha. Đến nay, cây quế đã cao chừng 5 đến 7 mét, đã có thương lái tới tận rừng đặt mua, nhưng gia đình muốn chăm sóc thêm thời gian nữa để bán được giá cao hơn.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: Trồng quế ở xã Thiện Long xuất hiện từ hơn 10 năm trước đây, nhưng chỉ có vài hộ trồng lẻ tẻ để phủ xanh đất trống. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó mũi nhọn là trồng cây quế. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ người dân phân bón, cây giống, tập huấn kỹ thuật. Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, UBND xã đã hỗ trợ 7.900 kg phân bón, 4.104 cây giống với tổng giá trị trên 235 triệu đồng cho 38 hộ dân/6 thôn trên địa bàn xã. Năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 260 triệu đồng, UBND xã đã hỗ trợ 97.082 cây quế, 19.594 kg phân lân cho bà con trồng rừng. Đến nay, xã có 301/605 hộ phát triển mô hình trồng quế, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 2 ha, nâng tổng diện tích trồng quế toàn xã lên hơn 600 ha.
Ông Đặng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thiện Long cho biết: Từ năm 2018 trở lại đây, bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn lồng ghép trong năm cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Đồng thời, chính quyền xã thường xuyên vận động người dân phát triển trồng rừng, bởi diện tích rừng tiềm năng của xã còn khá lớn (diện tích đất lâm nghiệp hiện nay là 3.390,15 ha).
Hiện nay, rừng quế đã được trồng ở hầu hết các thôn của xã Thiện Long. Theo UBND xã, đã có hơn 100 ha rừng quế đến tuổi cho thu hoạch. Với giá bình quân mà thương lái đang thu mua trên địa bàn hiện nay khoảng 200 triệu đồng/ha. Đây là một số tiền không nhỏ đối với xã vùng ba như Thiện Long. Cùng với đó, nhu cầu về gỗ rừng trồng hiện nay đang cao, thương lái từ Yên Bái, Thái Nguyên… thường xuyên tìm đến tận nơi thu mua nên đầu ra ổn định.
Theo đánh giá của chính quyền xã, hộ trồng ít cũng đã có khoảng 1 ha rừng đến tuổi thu hoạch, hộ nhiều có hàng chục ha, xã có hơn 100 hộ đã cho thu nhập từ trồng quế. Từ năm 2016 đến nay, những hộ bán tỉa cây cũng cho nguồn thu từ 30 triệu đồng/đợt bán, những hộ bán theo ha cũng thu được từ 200 triệu đồng/ha trở lên. Với nguồn thu nhập từ trồng quế, đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 20,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
MAI LINH/BAOLANGSON.VN
https://baolangson.vn/kinh-te/415553-phat-trien-rung-que-trien-vong-giam-ngheo-cua-xa-vung-ba.html