Cán bộ, kỹ thuật viên của MobiFone lắp đặt trạm, triển khai công nghệ, dịch vụ và hoàn thành phủ sóng 5G tại TP Hồ Chí Minh.
Từ năm 2021, Việt Nam sẽ triển khai mạng 5G trên diện rộng, bước đi tiên phong nhằm đạt mục tiêu trở thành một trong những nước thử nghiệm thành công công nghệ 5G trên thế giới, đồng thời quyết tâm sản xuất được thiết bị 5G "Make in Vietnam" với chất lượng tốt và tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, mạng di động 5G cũng là hạ tầng quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030.
Mang lại giá trị lớn
Thế giới đã và đang bước vào kỷ nguyên số đồng nghĩa với việc sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể. Trước tiên là sự chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới ảo, chuyển toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số. Quá trình chuyển đổi sâu sắc này sẽ làm thay đổi hoàn toàn các phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phan Tâm, trong xu thế này, hạ tầng viễn thông sẽ trở thành hạ tầng số, nền tảng cho phát triển kinh tế và xã hội số. Như vậy, mạng in-tơ-nét 5G cũng như băng rộng cố định sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phát triển sắp tới của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, đóng góp từ mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ khoảng hơn 7% vào năm 2025. Nhận thức rõ các cơ hội này, Bộ TTTT đã chủ động tập trung phát triển các hạ tầng số, trong đó có mạng di động băng rộng 5G.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hầu hết các ngành kinh tế toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nặng nề, gián đoạn chuỗi cung ứng... Tuy nhiên, ngành công nghệ viễn thông là một trong số ít ngành vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, tích cực. Thực tiễn tại nhiều quốc gia đã khẳng định vai trò của hệ sinh thái mạng không dây và di động trong việc kết nối cũng như giữ "mạch kinh tế" diễn ra bình thường. Phó Chủ tịch mảng Công nghệ của Qualcomm (Công ty nắm giữ công nghệ hàng đầu về 5G của Hoa Kỳ) An Chen cho rằng, kể từ khi điện thoại di động có kết nối in-tơ-nét, điện thoại thông minh đã làm phong phú cuộc sống hằng ngày và thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu bởi khả năng còn có thể đạt được nhiều điều hơn trong tương lai với mạng 5G. Công nghệ này không chỉ để truyền dữ liệu ở tốc độ cao hơn so với các công nghệ trước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho nhiều ngành công nghiệp. 5G sẽ kích hoạt một chu kỳ đổi mới sáng tạo, dẫn đến các mô hình kinh doanh, dịch vụ và nhiều hình thức tương tác mới với khách hàng, từ đó tạo ra các ngành công nghiệp và dịch vụ hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện, mang lại hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, tác động tích cực đến cuộc sống của mọi công dân trên toàn thế giới.
Tiếp tục những chính sách hỗ trợ phù hợp
Sau khi được Bộ TTTT cấp phép thử nghiệm, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn tại Việt Nam đã triển khai thử nghiệm phát sóng mạng di động thế hệ mới 5G và đạt được một số kết quả tích cực. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel Lê Bá Tân cho biết, tính đến hết tháng 2-2021, đã có 17.500 thuê bao đăng ký thành công gói 5G khuyến mại của nhà mạng này. Số lượng máy hỗ trợ 5G dự báo chắc chắn sẽ tăng mạnh trong năm 2021 (dự kiến khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu máy) cho nên Viettel đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng vùng phủ sóng 5G. Cụ thể, sau khi hoàn tất thử nghiệm và triển khai thiết bị 5G "Make in Vietnam" trong diện hẹp, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, Viettel sẽ tiếp tục triển khai mạng 5G tại thủ phủ các địa phương trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 15 triệu thuê bao và từ năm 2026 sẽ triển khai mạng 5G diện rộng trên cả nước. Ðể tạo điều kiện cho phát triển 5G thời gian tới, ông Tân kiến nghị Bộ TTTT đẩy nhanh tiến trình đấu giá và cấp phép tần số cho các nhà mạng, nhất là các "băng tần vàng" được quy hoạch cho 5G như băng tần 2.600 MHz. Bên cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế chính sách hỗ trợ nhà mạng chia sẻ hạ tầng dùng chung mạng 5G; sớm ban hành bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm gốc, thiết bị đầu cuối, chất lượng dịch vụ 5G nhằm thúc đẩy việc đầu tư và triển khai thương mại hóa mạng di động này tại Việt Nam; xây dựng và triển khai mạng đồng bộ quốc gia để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Mặt khác, Bộ TTTT cũng cần chủ trì xây dựng các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái 5G (thành phố thông minh, y tế từ xa, giáo dục trực tuyến,...), thúc đẩy các dịch vụ mới qua chương trình chuyển đổi số từ T.Ư đến địa phương.
Ông An Chen góp ý thêm, Chính phủ cần đóng vai trò là người hỗ trợ quá trình khai phá và phát triển hệ sinh thái 5G - nền tảng sẽ dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, việc tăng tốc phân bổ phổ tần sẽ là bước đi rất quan trọng bởi 5G cần cả băng tần thấp cho việc phủ sóng, băng tần trung cho khả năng di động tốc độ cao và băng tần cao cho các ứng dụng công nghiệp. Tương tự như việc tăng tốc triển khai 5G, quá trình chuyển đổi số cũng chỉ có thể diễn ra khi được thúc đẩy một cách toàn diện. Các nhà mạng triển khai 5G, các OEM (nhà sản xuất linh kiện, thiết bị đầu cuối) cũng như những nhà phát triển ứng dụng cần đẩy nhanh việc cung cấp thiết bị và ứng dụng 5G đến với nhiều người hơn. Ðiều này sẽ tạo đà phát triển cho nền kinh tế qua việc tạo ra các ngành công nghiệp mới, đồng thời thúc đẩy chu kỳ chuyển đổi số được hỗ trợ bởi 5G.
THÁI LINH/NHANDAN.COM.VN
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/phat-trien-ha-tang-cho-chuyen-doi-so-642175/