Nếu không làm theo nguyên tắc nộp phạt chậm nộp sẽ xảy ra tình trạng DN lạm dụng chiếm dụng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho đến trước khi buộc phải nộp lại.
Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn phải rành mạch, công bằng giữa các DN |
Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phản ánh về việc có DN khi xuất khẩu hàng hóa xuất khẩu thuỷ sản được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng sau một thời gian sau, vì lý do nào đó mà khách hàng trả lại hàng. DN phải làm thủ tục tái nhập lại hàng, đồng thời, ngoài việc kê khai và nộp lại tiền hoàn thuế GTGT đã nhận, còn phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp.
VASEP cho rằng, việc DN phải nộp lại khoản hoàn thuế GTGT là đúng nhưng bị phạt tiền chậm nộp tính từ lúc xuất khẩu lô hàng là không công bằng đối với DN.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Đào Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế cho biết khẳng định cơ quan thuế phải tuân thủ theo các quy định của Luật.
Cụ thể, căn cứ Khoản 3 Điều 1 của Luật số 106/2016/QH13: trường hợp cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.
Căn cứ Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu là phải có chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật (số DN này được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào).
Đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại, khách hàng nước ngoài không thực hiện thanh toán cho cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, do đó cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng, không đáp ứng đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với phần hàng hóa xuất khẩu bị trả lại (không đủ điều kiện hoàn thuế GTGT).
Như vậy, hàng hóa xuất khẩu bị khách hàng nước ngoài trả lại, nhập khẩu về nước thì hàng hóa đó không còn là hàng hóa xuất khẩu, không thuộc trường hợp được áp dụng hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
DN cần thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả và nộp lại số tiền thuế GTGT đã được hoàn tương ứng với giá trị hàng hoá xuất khẩu bị trả lại.
Tại khoản 1.c Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020) đã có quy định về xử lý tiền chậm nộp đối với trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả.
Theo đó, người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước.
Chuyên gia Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam phân tích: cách xác định số tiền chậm nộp, tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 133 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 66 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC có quy định “Số tiền chậm nộp bằng mức tính số tiền chậm nộp nhân số ngày chậm nộp tiền thuế nhân số tiền thuế chậm nộp. Mức tính số tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”.
Số ngày chậm nộp tiền thuế được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế…
Hiện nay, để theo dõi và đôn đốc thu nộp tiền chậm nộp, hệ thống kế toán tập trung đã thiết lập tự động tính số tiền chậm nộp sau khi DN đã nộp tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
“Thực tế, các DN đã được tạo điều kiện thuận lợi, hoàn trước và kiểm tra sau. Các DN được tự tính, tự khai tự nộp, nên nếu các DN hoàn thuế rồi nhưng không đủ điều kiện thì phải hoàn trả các khoản nợ thuế theo quy định. Điều này là cần thiết vì nếu không làm theo nguyên tắc nộp phạt chậm nộp trên sẽ xảy ra tình trạng DN lạm dụng chiếm dụng tiền hoàn thuế cho đến trước khi buộc phải nộp lại”, bà Nguyễn Thị Cúc phân tích.
Theo các chuyên gia, việc các DN phải trả tiền chậm nộp theo quy định là hợp lý vì thực chất các DN được tạm hoàn thuế trước, thì cũng đã được hưởng phần lãi ngân hàng. Nếu tính trên số tiền thuế được hoàn trước có lúc lên tới hàng tỷ đồng thì số tiền DN được hưởng lợi không phải nhỏ. Thực tế, cũng đã có DN có cố tình lợi dụng, chiếm dụng tiền vốn nhà nước. Do đó, phần phạt chậm nộp 0,03%/ngày là thấp hơn lãi suất ngân hàng được tính một cách tự động là điều công bằng cho các bên.
Cơ quan thuế cho biết thêm, thời gian qua, đã có nhiều chính sách tài khoá hỗ trợ cho DN bị thiệt hại do COVID-19. Riêng trong năm 2020, ngành thuế luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến, nắm bắt khó khăn của DN để báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các gói giảm, giãn thuế để hỗ trợ cho DN.
Ngay từ quý I/2020, Bộ Tài chính đã có giải pháp báo cáo Chính phủ để thực hiện thông qua Nghị định 41 về gia hạn GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện cả năm đạt khoảng 123,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Năm 2021, ước tính số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm lệ phí trước bạ…, nhằm giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, ngày 31/3, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng, COVID-19 khiến các DN gặp nhiều khó khăn chung. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, vẫn phải rành mạch. Các DN vẫn cần tuân thủ các quy định, nguyên tắc, thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng, hài hoà lợi ích giữa các DN với nhau cũng như giữa DN và nhà nước.
Huy Thắng/baochinhphu.vn