Sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột,… thương hiệu gạo ST25 đã bị doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ ở nước ngoài
Ngày 20-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng xác nhận đã biết được thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
"Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi. Còn ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi" – ông Hồ Quang Cua thông tin.
Ông Hồ Quang Cua (bìa trái) nhận giải nhất gạo ngon Việt Nam năm 2020 cho giống gạo ST25
Trước đó, ngày 19-4, tại một diễn đàn diễn ra ở TP HCM, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin gạo ST của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ. Từ đó đặt ra vấn đề các DN phải bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà ở thị trường xuất khẩu.
Trao đổi riêng với phóng viên, ông Phú cho hay thông tin trên là từ phản ánh của DN, 2 loại gạo bị đăng ký là ST24 và ST25. "Trường hợp thương hiệu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST24 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ. Nếu họ đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được" – ông Phú nói thêm.
Gạo ST24, ST25 đang được thị trường ưa chuộng
Giám đốc một doanh nghiệp am hiểu thị trường Mỹ cho rằng tại thị trường này, hễ mặt hàng nào nổi lên, được người tiêu dùng chú ý lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu.
"Chi phí đăng ký thương hiệu không nhiều, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc nhận tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Trường hợp chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp." – vị giám đốc này phân tích.
Bài, ảnh: Ngọc Ánh/nld.com.vn