Hữu Lũng: Nâng cao chất lượng cây ăn quả

Thứ 6, 23.04.2021 | 09:40:46
1,704 lượt xem

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phát triển mạnh, không chỉ mở rộng về diện tích mà còn chú trọng hình thành các vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng cây ăn quả. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Trước đây, gia đình bà Đỗ Thị Sao, thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh chủ yếu trồng na theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2018, theo định hướng của UBND xã, gia đình đã chuyển hướng sản xuất theo quy trình  VietGAP. Bà Sao cho biết: Năm 2018, được dự tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả, gia đình tôi đã áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đối với 350 gốc na. Nhơ đó, không chỉ năng suất quả tăng mà giá bán cũng cao hơn. 2 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng/năm từ bán na, cao hơn 30% so với năm 2017.

Người dân xã Cai Kinh chăm sóc cây na

Ông Nông Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh cho biết: Hiện nay, toàn xã có trên 425 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là na, cam đường canh, táo đại, bưởi diễn. Trước đây, bà con chỉ đơn thuần trồng cây ăn quả theo kỹ thuật canh tác truyền thống, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến người dân phát triển trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Qua đó, toàn xã phát triển được gần 80 ha cây ăn quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Thu nhập bình quân đầu người tại xã hiện đạt 38 triệu đồng/năm, tăng 18,5% so với năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 hiện còn 2,43% (giảm 1,35% so với năm 2019). Trong đó, nhiều gia đình trên địa bàn có thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng mỗi năm, có thể kể đến như: hộ ông Hoàng Văn Long, ông Nông Văn Lâm, ông  Nguyễn Duy Khương…

Không chỉ riêng xã Cai Kinh, tại nhiều địa phương khác của huyện thời gian qua đều chú trọng trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP, trong đó nổi bật là các sản phẩm như: na tại xã Cai Kinh, táo đại tại xã Đồng Tân, dứa tại xã Minh Sơn, Minh Hoa …

Qua tìm hiểu tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng, để phát triển cây ăn quả, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn kĩ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, phòng tổ chức tập huấn được 96 lớp, cấp phát tài liệu cho gần 4.200 lượt người. Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đã và đang hình thành, phát triển các vùng cây ăn quả như trồng: cam vinh, cam canh, bưởi diễn tại các xã: Nhật Tiến, Tân Thành, Đồng Tân…;trồng táo đại tại các xã: Cai Kinh, Hồ Sơn, Đồng Tân, Nhật Tiến, Tân Thành… Trong thời gian tới, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế phòng tham mưu cho huyện tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm tạo sản phẩm an toàn, có thương hiệu.

Năm 2017, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 4.400 ha; năm 2020 tổng diện tích cây ăn quả tăng lên 4.800 ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP,        GlobalGAP đạt trên 460 ha. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác phát triển vùng trồng cây ăn quả, nhưng mục tiêu dài hạn của huyện là phát triển vùng trồng cây ăn quả  theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy, trong 2 năm qua, sau khi được tuyên truyền, tập huấn, bà con trồng cây ăn quả đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới nhằm cải tạo vùng trồng cây cam, bưởi (kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, khoanh cành, bón phân; biện pháp phòng trừ sâu bệnh…), đặc biệt là thực hiện quy trình chăm sóc một số loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn  VietGAP, GlobalGAP…

Bên cạnh nâng cao chất lượng, huyện Hữu Lũng tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Theo đó, thời gian qua, huyện Hữu Lũng phối hợp với huyện Chi Lăng  tổ chức ngày hội Na. Huyện tự tổ chức ngày hội hoa quả và các sản phẩm đặc trưng của huyện. Nhờ vậy, các loại hoa quả của huyện được tiêu thụ thuận lợi và ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong tỉnh và một số địa phương trong nước.

Với những giải pháp huyện Hữu Lũng đã và đang triển khai, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện trồng mới được gần 92,87 ha, bằng 61,91% kế hoạch, với các loại cây chủ yếu như: dứa, bưởi, táo, nhãn, na. Qua đó, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên gần 5.000 ha. Năm 2020, tổng doanh thu từ cây ăn quả đạt khoảng 800 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2018, thu nhập của người dân tăng 15 đến 20% so với năm 2018. Năm 2021, dự kiến doanh thu sẽ tăng trên 100 tỷ đồng so với năm 2020.


NGUYỄN PHÚC/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/417319-huu-lung-nang-cao-chat-luong-cay-an-qua.html

  • Từ khóa