Hiện nay, các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, đòi hỏi phải có chiến lược bài bản tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics. Cần giải quyết tình trạng doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, làm giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.
Các chuyên gia, đại diện DN thảo luận giải pháp liên kết phát triển - Ảnh:VGP/HT |
Phát biểu khai mạc “Hội nghị Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 23/4 tại Hải Phòng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc.
Dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội, TPHCM.
“Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, làm giảm khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”, ông Lộc nói.
Như các chuyên gia đã phân tích, chi phí logistics ở Việt Nam đang cao hơn khá nhiều mức trung bình của thế giới, trong đó đặc biệt vận tải chiếm 40-50% chi phí. Như vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong logistics khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ quyết định sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Người đứng đầu VCCI cho rằng, hiện nay, động lực phát triển đang dịch chuyển rất mạnh về phía Bắc khi các chuỗi cung ứng và dịch chuyển của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đến các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hải Phòng là tâm điểm của cơ hội đó.
Dưới góc độ Hiệp hội, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, điểm nổi bật của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là chi phí logistics còn ở mức cao, kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics, nhiều thủ tục liên quan bất cập. Theo khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), đơn vị trực thuộc VLA vào tháng 4/2021 thì các loại hình dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp phổ biến là những dịch vụ cơ bản như thủ tục hải quan, giao nhận, vận tải nội địa và quốc tế, kho bãi. Tỷ lệ cung cấp các loại hình có giá trị gia tăng cao còn thấp.
Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch VLA đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics Hải Phòng.
Theo đó, để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, cơ quan quản lý ở Trung ương cần cho phép cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ…).
"Hiện nay, khó khăn lớn nhất của khu vực cảng Hải Phòng là kết cấu hạ tầng kết nối với vùng hậu phương, trong đó các đường ra vào cảng. Thành phố cần đề nghị với Trung ương về việc nhanh chóng xây dựng các tuyến quốc lộ đã nêu trên và giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, tải trọng cầu đường, nhất là liên quan đến vận chuyển container để phục vụ tốt nhất cho dòng lưu chuyển hàng hóa thông qua cảng và thành phố", ông Đào Trọng Khoa nhìn nhận.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của thệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu. Kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển. Cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc. Xây dựng một số trung tâm dịch vụ logistics.
Còn ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho rằng, cần tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, hạ tầng thông tin đồng bộ hiện đại. Trong đó, ưu tiên nguồn lực tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm: Đường cao tốc ven biển, mở rộng Quốc lộ 10, các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh…
“Logistics truyền thống phải thay đổi để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế số, sự gia tăng của thương mại điện tử. Cần chú ý quan tâm đầu tư để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số bao gồm hạ tầng viễn thông, băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây...”, ông Bùi Quang Hải nói.
Anh Minh/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Khac-phuc-tinh-trang-DN-logistics-dong-nhung-chua-manh/429075.vgp