Nhờ chú trọng phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"), các loại đặc sản do doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh Quảng Nam bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng tại TP HCM.
Hàng ngàn cuộc gặp gỡ - trao đổi, hàng trăm cơ hội kết nối sâu để hợp tác phân phối hàng hóa, sản phẩm cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất của tỉnh Quảng Nam đã diễn ra chỉ trong buổi chiều 23-4 nhân sự kiện gặp mặt hội viên 2021, trưng bày sản phẩm của Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) và OCOP do Hội Đồng hương tỉnh Quảng Nam và QNB tổ chức tại TP HCM.
Hào hứng kết nối hợp tác
Hào hứng khoe đã có 4 DN tại TP HCM đặt vấn đề hợp tác phân phối sản phẩm ngay sau cuộc tiếp xúc ngắn tại sự kiện trên, chị Võ Thị Minh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nga, lạc quan cho biết kế hoạch năm 2021, công ty sẽ phát triển kênh phân phối offline song song với mảng kinh doanh online. "Công ty tôi có hơn 10 sản phẩm, chủ yếu bán qua kênh online và các đại lý, doanh thu năm 2020 đạt hơn 5 tỉ đồng. Tôi chỉ mang 5 trong số hơn 10 sản phẩm của công ty vào TP HCM giới thiệu đợt này, gồm các sản phẩm từ gạo lứt và sản phẩm vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao là tinh bột nghệ. May mắn là các sản phẩm này được đón nhận rất nhiệt tình" - chị Minh Nga phấn khởi.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường thăm gian hàng của một doanh nghiệp xứ Quảng tại buổi trưng bày sản phẩm QNB và OCOP do QNB tổ chức vào chiều 23-4 ở TP HCM - Ảnh: THANH LONG
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, chủ cơ sở sản xuất Best One (chuyên về các sản phẩm từ trái nhàu), cũng bày tỏ vui mừng vì "chuyến đi thành công ngoài mong đợi", được nhiều khách tham quan hỏi thăm, tham khảo giá, chính sách cho đại lý, nhà phân phối… Bà Nhung nói: "Sản phẩm bột nhàu sấy khô của cơ sở chúng tôi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, đã tiêu thụ trên cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tôi rất kỳ vọng sau sự kiện này sản phẩm được lan tỏa đến đông đảo người tiêu dùng, nhà kinh doanh tại TP HCM".
Ông Trần Bá Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH I-BIO (chuyên sản xuất, cung cấp các sản phẩm vi sinh dùng trong chăn nuôi thủy sản), cho biết đã gặp nhiều bạn bè, đối tác có thể bắt tay làm ăn tại sự kiện này. "Không chỉ tại chương trình này mà thông qua nhiều hoạt động khác, QNB đã tích cực giới thiệu sản phẩm của DN hội viên cho người tiêu dùng, giới thiệu kết nối DN tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu, xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường, hỗ trợ truyền thông…" - ông Cương nói.
Tạo lợi thế cạnh tranh bằng sự khác biệt
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sau 3 năm phát triển sản phẩm OCOP, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP được xếp 2 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao, 4 sản phẩm 4 sao. Dự kiến năm 2021, tỉnh sẽ phát triển thêm hơn 100 sản phẩm, trong đó phấn đấu có 6-7 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt 4 sao. Hiện các sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đã có thể thâm nhập các siêu thị nhưng số lượng còn hạn chế, vì nhiều lý do. Tỉnh Quảng Nam đang hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường hiệu quả hơn bằng nhiều cơ chế, đặc biệt là chú trọng vào nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, QR code… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề sự kiện, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam và QNB phối hợp thực hiện kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm của các bạn trẻ khởi nghiệp tại tỉnh nhà. "Thời gian qua lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp, ban hành nhiều chính sách cũng như động viên các bạn trẻ khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn. Chúng tôi muốn thông qua QNB hỗ trợ DN OCOP, bạn trẻ khởi nghiệp tiếp cận thị trường TP HCM; từ đây định hướng đầu tư mở rộng công suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn cho khu vực TP HCM nói riêng và phía Nam nói chung" - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam “ướm” thử mũ bảo hiểm của một doanh nghiệp QNB tại buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm QNB và OCOP chiều 23-4 ở TP HCM - Ảnh: QNB
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, để tạo sự khác biệt cho sản phẩm OCOP thương hiệu Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh luôn yêu cầu các nhà sản xuất nghiên cứu làm ra sản phẩm hữu cơ, phát triển vùng nguyên liệu, chỉ dẫn địa lý cũng như tích hợp được các giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống vào sản phẩm. Khi đó, sản phẩm không chỉ là món hàng mà còn chuyển tải văn hóa vùng miền, nhờ vậy người tiêu dùng sẽ đón nhận tốt hơn.
Thanh Nhân/nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/san-pham-hang-hoa-xu-quang-ron-rip-giao-thuong-20210423224223952.htm