Xác định mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền huyện Văn Lãng luôn chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo động lực cho việc đạt chuẩn NTM của từng xã.
Thực hiện chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để ưu tiên hỗ trợ phát triển.
Điển hình năm 2019, từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện đã phân bổ 400 triệu đồng hỗ trợ mô hình trồng cây sở tại thôn Bản Lè với quy mô 9,4 ha và mô hình nuôi bò quy mô 17 con tại thôn Lù Thẳm, xã Hoàng Việt. Theo đó, người dân được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, các mô hình đang phát triển tốt, riêng mô hình chăn nuôi bò dự kiến cuối năm 2021 được xuất bán.
Người dân thôn Lù Thẳm, xã Hoàng Việt chăm sóc đàn bò
Ông Âu Hồng Ngân, Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt cho biết: Tham gia mô hình, các hộ dân đều chủ động áp dụng kỹ thuật chăm sóc, các mô hình phát triển tốt, có triển vọng kinh tế cao và có khả năng nhân rộng. Bên cạnh đó, từ năm 2016, bằng nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo, chương trình MTQG xây dựng NTM, xã đã hỗ trợ bà con phát triển các mô hình như: cây ăn quả, trồng rừng, trồng lúa nếp cái hoa vàng… với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo thu nhập ổn định cho bà con, nhiều hộ có thu nhập cao trên 100 triệu đồng như: hộ ông Vy Quang Dưỡng (thôn Nà Phai), bà Hoàng Thị Thuý (thôn Pò Pheo)… góp phần hoàn thiện tiêu chí thu nhập, tạo động lực giúp xã về đích NTM trong năm 2020.
Đây chỉ là 1 trong nhiều mô hình được huyện đầu tư có triển vọng kinh tế cao và có khả năng nhân rộng. Từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện 38 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã, có 970 hộ, 4 HTX và 15 tổ hợp tác tham gia với tổng kinh phí thực hiện 15.718 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) phối hợp các đơn vị tổ chức khoảng 50 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại 17/17 xã, thị trấn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Anh Luân Văn Nam, thôn Bản Làng, xã Bắc Việt cho biết: Cuối năm 2018, tôi được chính quyền huyện, xã hỗ trợ 17 con bò, trị giá 200 triệu đồng, gia đình tự đầu tư chuồng trại và mua thêm 3 con để thực hiện mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao. Thực hiện mô hình, tôi được tham gia tập huấn 2 lớp về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh do Phòng NN&PTNT huyện tổ chức. Vì vậy, đàn bò phát triển tốt, đầu năm 2021, gia đình tôi xuất bán 6 con, thu nhập trên 150 triệu đồng. Qua phát triển chăn nuôi bò tôi thấy rất hiệu quả, tôi sẽ tuyên truyền cho các hộ dân khác trong thôn cùng nhau thực hiện.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNN huyện, nhóm mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng và mô hình trồng, chăm sóc hồng Vành Khuyên là những mô hình có khả năng phát triển, nhân rộng bền vững, các mô hình cho thu nhập trung bình từ 50 – 200 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: Trong năm 2021, huyện sẽ xây dựng và hỗ trợ 5 mô hình phát triển sản xuất gồm: 2 mô hình trồng cây quế tại xã Bắc Hùng, Bắc Việt; 3 mô hình trồng và chăm sóc hồng Vành Khuyên tại xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hồng Thái với tổng kinh phí dự kiến trên 2,4 tỷ đồng, tạo động lực cho bà con nhân dân phát triển kinh tế.
Việc phát triển mô hình sản xuất trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập đối với bà con, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 29,67% (năm 2016) xuống còn 7,76% (năm 2020); thu nhập bình quân năm 2020 đạt 34,22 triệu đồng/người/năm. Đến hết 2020, huyện có 5 xã về đích NTM (Hoàng Văn Thụ, Tân Thanh, Hoàng Việt, Bắc Hùng, Bắc Việt), trung bình mỗi xã đạt 12,3 tiêu chí trong xây dựng NTM, tăng 2,6 tiêu chí so với năm 2016. Giai đoạn 2016 – 2020, người dân trên địa bàn đã đóng góp trên 72 tỷ đồng và trên 50.000 ngày công để xây dựng hạ tầng nông thôn mới .Năm 2021, huyện phấn đấu trung bình mỗi xã đạt bình quân 13 tiêu chí, không có xã nào dưới 8 tiêu chí
HỒ DUNG/BAOLANGSON.VN