Những năm trước đây, người dân trên địa bàn xã Cường Lợi thường nuôi gà thả vườn song gà thường bị mắc một số loại bệnh như Newcastle, tụ huyết trùng, đậu gà… do đó, chất lượng gà thương phẩm không cao. Để nâng cao chất lượng chăn nuôi gà, tháng 6/2020, UBND xã Cường Lợi phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lựa chọn giống gà Tiên Yên để hỗ trợ con giống giúp bà con phát triển chăn nuôi gà. Mô hình đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, mở ra hướng phát triển kinh
Dự án được triển khai với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, trong đó, 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và gần 400 triệu đồng vốn đối ứng của hộ chăn nuôi. Bên cạnh được hỗ trợ con giống, 2 hộ tham gia mô hình còn được tập huấn kỹ thuật nuôi và được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,…
Người dân xã Cường Lợi phát triển mô hình nuôi gà dưới tán rừng
Anh Vy Văn Cương, thôn Đồng Nhất, xã Cường Lợi – hộ nuôi gà dưới tán rừng với số lượng lớn nhất xã cho biết: Tháng 6/2020, tham gia mô hình, gia đình tôi nuôi lứa đầu tiên với số lượng 5.000 con gà Tiên Yên. Để nâng cao chất lượng gà thương phẩm, hạn chế gà mắc bệnh, gia đình tôi nuôi theo hình thức chăn thả dưới tán rừng thông, rừng trúc. So với việc nuôi gà tại nhà thì nuôi gà dưới tán rừng giúp tiết kiệm nguồn thức ăn, gà được vận động nên thịt chắc và thơm ngon hơn. Với mô hình này, sau khi nuôi hơn 5 tháng, đến tháng 11 và 12/2020, tôi xuất bán gần 5.000 con, mỗi con đạt từ 2 đến 3 kg. Với giá bán trung bình 120 nghìn đồng/kg gà mái và 150 nghìn/kg gà trống, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 200 triệu đồng. Sau khi xuất bán hết lứa gà đầu tiên, gia đình tôi đã nhập thêm hơn 4.500 con gà giống Tiên Yên để tiếp tục chăn nuôi, mở rộng mô hình.
Theo đánh giá của UBND xã Cường Lợi, mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng đã mở ra một hướng đi mới trong việc khai thác, tận dụng lợi thế địa phương để phát triển kinh tế. Gà được chăn thả, vận động dưới tán rừng, ngoài ngô hạt còn được bổ sung nguồn thức ăn từ tự nhiên nên da vàng, thịt chắc và ngọt. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình chủ yếu cung cấp gà thương phẩm phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng, ngoài ra xuất bán đi một số tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Hà Nội,… Nhận thấy mô hình có hiệu quả, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 10 gia đình đã học tập, thực hiện theo mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng. Nhiều hộ đã có thêm thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà.
Ông Nông Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Sau gần một năm triển khai, mô hình đã bước đầu mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Chúng tôi đang nghiên cứu các hình thức quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích người dân trên địa bàn xã học tập, nhân rộng mô hình.
Theo đánh giá của bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập, sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng tại xã Cường Lợi đã mang lại “lợi ích kép” cho người dân. Đó là khi chăn nuôi gà dưới tán rừng, ngoài nguồn thức ăn từ ngô, rau xanh, gà còn được bổ sung một số chất dinh dưỡng từ thiên nhiên. Hơn nữa, gà được nuôi riêng biệt trong đồi rừng, cách xa khu dân cư, bà con tận dụng quả thông để làm thức ăn cho gà nhằm bổ sung nguồn dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, gà ít bị dịch bệnh. Cùng đó, mô hình còn giúp cải tạo đất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
LIỄU CHANG/BAOLANGSON.VN