Bằng Hữu: Tập trung phát triển chăn nuôi

Thứ 3, 11.05.2021 | 09:18:32
831 lượt xem

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng đã tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi. Qua đó, từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bằng Hữu là xã vùng 3 của huyện Chi Lăng với hơn 620 hộ dân, 2 dân tộc chính là Tày và Nùng. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, ngô và chăn nuôi gia súc với quy mô nhỏ, theo hình thức tự cung tự cấp, do đó, đời sống của người dân còn khó khăn. Từ năm 2015 trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu phát triển chăn nuôi với quy mô lớn hơn theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Người dân xã Bằng Hữu nuôi trâu nhốt chuồng, vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn với quy mô lớn, chị Tô Thị Sen, thôn Kéo Nọi cho biết: Từ năm 2012, tôi bắt đầu chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, số lượng chỉ từ 6 đến 7 con/lứa, vì vậy, lãi không được nhiều. Từ năm 2016 đến nay, để chủ động về con giống, gia đình tôi nuôi 3 con lợn nái và mở rộng quy mô nuôi lợn thịt từ 40 dến 50 con/lứa (trung bình một năm 2 lứa). Cùng với mở rộng quy mô, cứ 2 tuần, tôi lại phun tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Từ chăn nuôi lợn, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 130 triệu đồng.

Cũng chọn chăn nuôi, nhưng ông Phạm Văn Hải, thôn Thồng Noọc lại đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo. Ông Hải cho biết: Từ năm 2017, tôi bắt đầu nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng, vỗ béo với quy mô 6 đến 8 con/lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 tháng, sau khi bán mỗi con trâu, bò cho thu lãi hơn 2 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi vỗ béo 3 lứa, trừ chi phí, thu nhập trên 50 triệu đồng.

Mặc dù các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu đàn vật nuôi nhưng đầu ra tương đối ổn định, vì thế không chỉ có 2 hộ trên mà nhiều hộ khác đã tập trung phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Một số hộ có thu nhập cao từ chăn nuôi sau khi đã trừ chi phí như: hộ ông Lý Văn Tiệp, thôn Kéo Nọi (mỗi năm thu về trên 120 triệu đồng từ chăn nuôi lợn); hộ ông Lý Văn Làn, thôn Kéo Phị (mỗi năm thu nhập trên 60 triệu từ chăn nuôi bò)…

Với hiệu quả kinh tế như vậy, đến nay, phong trào chăn nuôi đã phát triển tại 8/8 thôn của xã. Hiện tổng đàn vật nuôi toàn xã có trên 20.000 con, trong đó đàn gia cầm hơn 18.000 con, đàn gia súc hơn 2.000 con. Bên cạnh đó, người dân của xã đã trồng được hơn 3 ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò.

Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, bền vững, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở từ 1 đến 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng vào thực tế; chỉ đạo nhân viên thú y tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả.

Đặc biệt, trong năm 2020, UBND xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình vỗ béo trâu, bò thịt với 98 hộ dân tham gia, quy mô 180 con trâu, bò. Theo đó, các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua thức ăn, thuốc thú y. Qua triển khai cho thấy: sau 3 tháng, với mỗi con trâu, bò xuất bán, người dân thu lãi từ 3 đến 3,9 triệu đồng. Mô hình này giúp người chăn nuôi tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong hoạt động chăn nuôi. Sau khi kết thúc mô hình, các hộ vẫn tiếp tục duy trì chăn nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hoàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập dự án vay vốn phát triển sản xuất để tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị quyết 08, ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Hiện toàn xã đã có 4 hồ sơ dự án về chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được thẩm định đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết 08 để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Nhờ sự quan tâm, định hướng từ chính quyền xã cùng với sự chủ động của người dân, phong trào chăn nuôi trên địa bàn xã đã đem lại những kết quả tích cực. Từ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 50,98% (năm 2016) xuống còn 11% (năm 2020)


CẨM HÀ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/420970-bang-huu-tap-trung-phat-trien-chan-nuoi.html

  • Từ khóa