Trong những năm qua, người dân xã Tân Liên, huyện Cao Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây cà chua. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Thời điểm này, rau màu vụ xuân – hè đã phủ kín diện tích đất canh tác ở thôn Nà Hán, xã Tân Liên. Nổi bật trên cánh đồng là màu đỏ au, bóng mướt của những luống cà chua thẳng hàng tăm tắp đang chín rộ. Anh Hoàng Văn Giang, Trưởng thôn Nà Hán cho biết: Thôn hiện có 149 hộ thì có đến 120 hộ dân trồng cà chua. Hộ trồng ít thì 2 đến 3 sào, hộ trồng nhiều từ 6 đến 7 sào. So với các loại rau màu khác, cà chua mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất ổn định, có điểm thu mua tại chỗ nên người dân rất yên tâm sản xuất.
Người dân thôn Nà Hán, xã Tân Liên thu hoạch cà chua
Ông Chu Văn Nguyên, thôn Nà Hán cho biết: Từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình tôi chuyển đổi sang trồng cây cà chua nhiều năm nay. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đến nay, 7 sào cà chua của gia đình đang cho thu hoạch, từ đầu vụ đến giờ, gia đình đã thu hoạch được hơn 4 tấn quả. Với giá 8.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 30 triệu đồng. Hiện gia đình tôi vẫn tiếp tục thu hái, dự kiến sẽ thu hoạch được thêm 3 – 4 tấn.
Do phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên cà chua trồng tại đây quả đỏ mọng, nhiều bột và thơm ngon. Ngoài ra, người dân để quả chín tự nhiên trên cây, không ủ thuốc nên rất an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo người trồng cà chua, trung bình một sào cà chua nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch từ 1,5 đến 2 tấn quả. Với giá bán dao động từ 5 đến 8 nghìn đồng/kg tùy loại to, nhỏ, người dân sẽ có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí. Với hiệu quả kinh tế cao, diện tích cây cà chua trên địa bàn xã Tân Liên không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2004, diện tích cà chua của xã chỉ khoảng 3 – 5 sào, thì đến nay, người dân đã tăng diện tích trồng cà chua lên hơn 26 ha ở 7/7 thôn của xã, tập trung nhất ở thôn Nà Hán và thôn Nà Pinh.
Để giúp người dân có kiến thức trồng và chăm sóc rau màu nói chung và cây cà chua nói riêng, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà chua cho người dân với 110 lượt người tham gia.
Ông Đặng Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết: Cà chua tuy không phải là cây trồng mới nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại, đây chính là cây trồng giúp người dân địa phương có thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, góp phần giúp người dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thời gian tới, ngoài giống cà chua hiện tại, xã tiếp tục khuyến khích người dân trồng thêm các giống cà chua có giá trị cao hơn như: cà chua sô – cô – la, cà chua bi.
Với hiệu quả kinh tế từ cây cà chua, chính quyền xã cũng định hướng người dân tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, tuy nhiên, cần nắm bắt thị trường để không sản xuất ồ ạt dẫn đến cung lớn hơn cầu. Từ trồng cà chua, nhiều hộ dân đã có thu nhập từ 40 đến 80 triệu đồng/năm, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã. Cụ thể đến nay, thu nhập bình quân đạt 36,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 9,3% năm 2019 xuống còn 5,7% năm 2020.
Liễu Chang/Baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/424701-tan-lien-nguoi-dan-tang-thu-tu-trong-ca-chua.html