Chuyện shipper mùa dịch

Thứ 6, 28.05.2021 | 00:00:00
853 lượt xem

Quy định hàng quán chỉ được bán mang về trong mùa dịch Covid-19 đang giúp lượng đơn hàng online tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu shipper (người giao hàng) do đó cũng tăng cao, nhiều người làm không hết việc.

Facebook  Email  Bản in  +

Bùng nổ đơn hàng online, shipper chạy hết công suất.

Tại các tuyến phố chuyên ẩm thực trên địa bàn TP Hà Nội như Duy Tân, Tô Hiệu, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)… các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã không phục vụ trực tiếp mà chỉ bán mang về. Tuy nhiên, khung cảnh tại đây những ngày gần đây không hề yên tĩnh mà vẫn rất tấp nập, đặc biệt là sát các giờ ăn khi đội ngũ shipper đứng thành hàng dài để đợi lấy đồ ăn mang về cho khách.

Chuyện shipper mùa dịch -0 

Bùng nổ đơn hàng online, shipper làm không hết việc.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe Grab cho biết, đợt dịch này bùng phát khá nhanh, nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân giảm hẳn. Nhưng nhu cầu giao hàng, nhất là đồ ăn lại tăng rất nhanh, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi trưa (từ 11h đến 13h). Trong một buổi trưa mỗi shipper có thể chạy được khoảng bẩy đến tám đơn hàng hoặc nhiều hơn tùy khoảng cách giao nhận.

“Với lượng đơn hàng này, trung bình một ngày trừ chi phí xăng xe, ăn uống, điện thoại, tôi có thể kiếm được khoảng 400 nghìn đến 500 nghìn đồng. Dạo này thời tiết nắng nóng, nhiều người mua hàng còn “típ” thêm cho shipper nên thu nhập từ công việc này cũng khá ổn”, anh Tuấn vui vẻ cho biết. Vì vậy, hiện nay, nhiều lái xe trước đây chạy taxi hay xe máy chở khách của ứng dụng Grab giờ đã chuyển đổi sang vận chuyển hàng hóa.

Dù đơn hàng vẫn duy trì ổn định trong mùa dịch nhưng các shipper luôn có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân. Anh Nguyễn Văn Tuấn cho hay: “Hiện nay dịch dã đang căng nên tôi đeo hai khẩu trang, dùng nước rửa tay và súc miệng nước muối thường xuyên. Khi tiếp xúc với khách, tôi cũng giữ khoảng cách an toàn. Sau khi về nhà tôi thường tắm rửa thay quần áo và bỏ ngay khẩu trang cho an toàn. Dù biết rằng dịch bệnh nguy hiểm nhưng vì công việc mưu sinh nên tôi vẫn phải bươn chải để có tiền lo cho gia đình. Mong dịch hết hẳn để chúng tôi yên tâm đi làm”.

Chuyện shipper mùa dịch -0

Giữ khoảng cách khi giao đồ ăn cho khách. 

Anh Nguyễn Văn Nhu, lái xe của ứng dụng Now Food chia sẻ thêm, từ khi Thành phố Hà Nội ra công điện tạm dừng dịch vụ nhà hàng, cơ sở ăn uống tại chỗ, các ứng dụng đặt đồ ăn như Now Food liên tục có nhiều đơn hàng, nhất là cao điểm buổi trưa và buổi sáng. Lực lượng giao hàng cũng phải chạy hết công suất mới kịp giao cho khách. Do đó chỉ cần chịu khó, thu nhập từ công việc shipper cũng tương đối khá nếu so sánh với nhiều công việc khác đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

“Hiện nay tôi có công việc văn phòng, nhưng thu nhập đang giảm mạnh trong mùa dịch nên cứ đến giờ cao điểm buổi trưa, tôi sẽ bật ứng dụng để làm shipper kiếm thêm thu nhập. Biết là dịch dã phức tạp nhưng tôi vẫn cố gắng tự bảo vệ bản thân, tăng nhận đơn hàng để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình”, anh Nhu cho hay.

Giống như anh Tuấn và anh Nhu, hiện nay, đội ngũ shipper đang có thu nhập tương đối ổn do nhu cầu mua hàng online tăng cao hơn hẳn kể từ khi Thành phố Hà Nội có công điện yêu cầu từ 12h ngày 25-5, tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm nhà hàng, cơ sở ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về). Người dân Hà Nội tuân thủ quy định phòng dịch, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Kênh online trở thành lựa chọn chủ yếu để người tiêu dùng tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.

Chuyện shipper mùa dịch -0 

Khung cảnh tấp nập tại các quán ăn giờ cao điểm.

Anh Hoàng Gia Khánh, chủ một cửa hàng nem nướng tại phố Duy Tân (Cầu Giấy) cho biết, trong gần một tháng nay, do dịch bệnh Covid-19 khiến cho các trường học đều nghỉ học. Dịp này, mặc dù lượng khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng giảm đáng kể thì bù lại, lượng khách mua hàng online tăng mạnh. Do đó, dù tổng lượng khách không quá đông như trước đây nhưng doanh thu cũng không bị sụt giảm quá sâu, cửa hàng vẫn có thể mở cửa duy trì để chờ qua dịch. Để tăng lượng khách hàng mua sắm thời dịch bệnh, nhà hàng có nhiều hình thức khuyến mại như miễn phí tiền vận chuyển, mua hai tặng một…  

Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng online, thời gian gần đây, các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn như Coop Mart, VinMart… cũng tăng cường dịch vụ đặt hàng và giao hàng qua điện thoại, ship đến tận nhà. Đồng thời, tăng lượng hàng dự trữ hơn ngày thường, từ 30-40%, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, gia vị, nước tinh khiết, đồ hộp, xúc xích, chả giò, sữa ...; rau củ quả, trái cây; các mặt hàng tẩy rửa, hóa mỹ phẩm... để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong khi lượt mua trực tiếp giảm mạnh thì đơn hàng online tăng cao hơn hẳn thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Để vẫn duy trì kinh doanh và bảo đảm phòng chống dịch, đa số các quán đều chuẩn bị nước rửa tay, dán biển thông báo đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để khách hàng và shipper thực hiện. Hầu hết các quán ăn bán hàng trực tiếp đều có cửa kính, hoặc trang bị thêm tấm nhựa trong để giữ khoảng cách với khách hàng hay shipper, bảo đảm kinh doanh an toàn trong mùa dịch.  


HÀ ANH/nhandan.com.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/chuyen-shipper-mua-dich-648133/

  • Từ khóa