Từ một quốc gia phải phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu, trong khoảng 30 năm trở lại đây, ngành phân bón Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, chủ động được nguồn cung và thậm chí xuất khẩu sản phẩm sang hơn 20 quốc gia. Khi cung đã đủ cầu, tốc độ tăng trưởng chậm lại, ngành phân bón cần một định hướng phát triển mới.
Sản xuất phân bón tại Nhà máy NPK Phú Mỹ.
Tự chủ nguồn cung
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, trước năm 1960, người dân Việt Nam chỉ sử dụng phân hữu cơ tự chế để bón cho cây trồng. Giai đoạn 1961 - 1980, bắt đầu có sự kết hợp dùng phân hóa học với phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Những năm 1979 đến 1980, sản xuất phân hỗn hợp NPK bắt đầu được phát triển. Tuy nhiên, tổng sản lượng giai đoạn này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, chủ yếu nước ta phải nhập khẩu phân bón từ các quốc gia khác.
Từ năm 1981 đến 2000, ngành phân bón có bước chuyển mình mạnh mẽ. Ngoài phân đạm, phân lân, sự phát triển của phân hỗn hợp NPK đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ tiên tiến để gia tăng nguồn cung và cải thiện chất lượng. Nhờ vậy, khoảng những năm 1990 đến 1991 năng lực sản xuất phân NPK đã đạt hơn 100.000 tấn/năm. Sản lượng phân lân nung chảy đạt 120.000 đến 130.000 tấn/năm. Tiếp đến, nhiều nhà máy sản xuất phân bón ra đời như: Nhà máy Supe phốt phát Long Thành với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đạt công suất thiết kế 100.000 tấn/năm. Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao qua ba lần cải tạo, mở rộng đã đưa công suất từ 100.000 tấn/năm lên 450.000 đến 500.000 tấn/năm.
Từ năm 2001 đến nay, một loạt nhà máy công suất lớn được xây dựng, cơ bản đáp ứng được nguồn cung phân bón trong nước. Ðơn cử như hai nhà máy sản xuất phân DAP được xây dựng tại Hải Phòng và Lào Cai, mỗi nhà máy có công suất 330.000 tấn/năm. Ba nhà máy sản xuất phân đạm được xây dựng mới gồm: Nhà máy đạm Ninh Bình sử dụng nguyên liệu từ than công suất 560.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhà máy đạm Cà Mau sử dụng nguyên liệu từ khí thiên nhiên, công suất mỗi nhà máy 800.000 tấn/năm. Nhà máy đạm Hà Bắc được nâng công suất lên 500.000 tấn/năm. Ðối với phân NPK, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất NPK đã được xây dựng như: Nhà máy Supe lân và NPK Lào Cai của Công ty Vật tư nông sản, Nhà máy NPK công nghệ hóa học công suất 350.000 tấn/năm của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Nhà máy NPK Việt - Hàn… Tổng lượng sản xuất phân NPK giai đoạn này đã đạt 3,5 triệu tấn/năm.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, cả nước có 841 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta khoảng 10,5 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng từ các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng khoảng 7,5 triệu tấn. Các nhà máy sản xuất phân bón đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: phân lân, phân urê, phân bón hỗn hợp NPK (trừ phân SA và phân Kali phải nhập khẩu). Từ một nước phụ thuộc vào nguồn cung phân bón của nước ngoài, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu phân bón sang hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển như Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, I-ta-li-a… Nhiều nhà máy sản xuất phân bón vô cơ của Việt Nam được đánh giá cao về công nghệ sản xuất và chất lượng. Bên cạnh đó, phân bón hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần Tổng công ty Sông Gianh, Công ty cổ phần Thiên Sinh... cũng được thị trường ưa chuộng.
Là một trong những đơn vị có sản phẩm phân hỗn hợp NPK được đánh giá đạt chất lượng cao, đại diện Nhà máy NPK Phú Mỹ cho biết, năm 2015, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã đầu tư xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ với công suất 250 nghìn tấn/năm. Nhà máy sử dụng công nghệ hóa học của hãng Incro SA (Tây Ban Nha) với công nghệ sản xuất NPK hiện đại, cao cấp nhất hiện nay. Quý I năm 2018, nhà máy NPK Phú Mỹ chính thức cho ra sản phẩm. Hiện nay, các dòng sản phẩm NPK Phú Mỹ được người tiêu dùng đánh giá cao về mặt chất lượng, phù hợp từng loại cây trồng theo từng vùng thổ nhưỡng, tránh lãng phí khi sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường.
Tập trung cải tiến công nghệ sản xuất
Mặc dù đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước nhưng thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất phân bón chỉ chú trọng vào số lượng chứ chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm. Cả ba loại phân bón chủ lực là: phân lân, phân urê, phân bón hỗn hợp NPK đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức.
Ðối với phân NPK, giống như nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sản xuất theo ba phương pháp chính: phối trộn cơ học, vê viên tạo hạt và phương pháp hóa học. Chỉ một số ít các doanh nghiệp áp dụng phương pháp hóa học vào sản xuất. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng phương pháp phối trộn cơ học và vê viên tạo hạt do quy trình sản xuất này đơn giản, không đòi hỏi công nghệ hiện đại, vốn đầu tư ít. Chính vì điều này mà hiện nay công nghệ sản xuất của nhiều nhà máy NPK trong nước đã lạc hậu. Hệ quả, mặc dù phân NPK của nước ta đa dạng về chủng loại nhưng chất lượng chưa cao, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra, dễ bị làm nhái, làm giả.
Ðối với phân urê, đây là loại phân đạm được sản xuất nhiều tại Việt Nam do hàm lượng Ni-tơ cao và công nghệ sản xuất phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhiều nhà máy phân bón urê xây dựng lâu năm đến nay đã trở nên cũ kỹ, công nghệ sản xuất lỗi thời. Ðơn cử như dây chuyền sản xuất phân urê tại Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy đã cải tạo hai lần (lần 1 năm 1997 và lần 2 năm 2000) nhưng vẫn là công nghệ cũ, lạc hậu so với các nước. Các chỉ tiêu tiêu hao nguyên liệu, năng lượng cao, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp. Hiện nay, nhà máy này đang được tiếp tục cải tạo.
Ðối với phân lân, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã sản xuất được bốn loại phân lân, chia làm hai nhóm chính. Nhóm phân lân đơn gồm phân supe lân và phân lân nung chảy. Nhóm thứ hai là DAP và phân MAP. Trong các sản phẩm nêu trên, phân DAP và MAP có quy trình sản xuất phức tạp, đòi hỏi công nghệ hiện đại. Các nhà máy sản xuất DAP, MAP trong nước hiện tại đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến với chi phí đầu tư lớn. Ðối với phân lân đơn, công nghệ sản xuất của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Cụ thể, phân supe lân là loại phân bón đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, các nhà máy được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Hiện, các nhà máy này đã cũ, công nghệ ở mức trung bình, tiêu hao nhiều năng lượng, chất lượng sản phẩm không cao.
Cục Bảo vệ thực vật nhận định, nhu cầu phân bón vô cơ trong nước và thế giới đang chững lại, tình trạng dư cung tiếp tục diễn ra. Các sản phẩm phân bón trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu. Nguyên nhân là do các nước có lợi thế công nghệ sản xuất và một số nước được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN). Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài trên diện rộng khu vực đồng bằng sông Cửu Long làm giảm diện tích canh tác, giảm nhu cầu sử dụng phân bón của bà con nông dân. Giá phân bón thời gian qua biến động tăng do giá nguyên liệu đầu vào (như NH3, S) tăng cao, giá dầu và chi phí vận chuyển cũng tăng, gây ảnh hưởng đến giá và sức tiêu thụ phân bón… Trước những thực tế nêu trên, để phát triển ngành phân bón bền vững, việc nâng cao chất lượng sản phẩm phân bón là xu thế tất yếu.
Ðể tăng năng lực sản xuất cũng như chất lượng phân bón, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần đầu tư một cách tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ðẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ đang là xu thế tất yếu của thế giới và là chủ trương lớn của Chính phủ, do đó các doanh nghiệp cần có kế hoạch, chủ động, tích cực, từng bước chuyển dần một phần sang sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ nhằm cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ, đáp ứng nhu cầu của người nông dân; hướng đến các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách để tạo môi trường công bằng cho ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển, chủ động nguồn cung, mang lại lợi ích cho người nông dân. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, xây dựng thương hiệu, ưu đãi trong giao và thuê đất cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón, nhất là sản xuất phân bón hữu cơ…
MINH HUỆ/NHANDAN.VN
https://nhandan.vn/kinhte/tai-co-cau-nganh-phan-bon-nang-cao-chat-luong-san-pham-649544/