Lạng Sơn là tỉnh miền núi có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 74% diện tích tự nhiên. Ðể khai thác những lợi thế, tiềm năng, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp về phát triển lâm nghiệp, nhất là phát triển trồng cây lâm sản ngoài gỗ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân ở thôn Lũng Cút, thị trấn Ðồng Mỏ, Chi Lăng thu hoạch rau bò khai.
Thoát nghèo nhờ phát triển cây lâm sản
Ðến với thôn Lũng Cút, thị trấn Ðồng Mỏ (Chi Lăng), ở đâu cũng thấy một mầu xanh bạt ngàn. Ðường vào thôn được rải bê-tông, dọc hai ven đường, rau bò khai được trồng dưới tán cây na, trong vườn ngô, ven bìa rừng núi đá vôi xanh rờn... Cây bò khai trước đây mọc tự nhiên trên núi đá vôi, thuộc loại dây leo, sống dưới tán các loại cây khác. Bí thư Chi bộ thôn Lũng Cút, Lưu Anh Tuấn vui vẻ nói: Thôn có 49 hộ dân, cuộc sống của người dân mấy năm nay ổn định, không còn hộ đói nghèo là nhờ vào phát triển trồng rau bò khai, cây na dai,...
Cây bò khai còn có nhiều tên gọi khác như: dây hương, khau hương, rau nghiến..., được trồng để vừa làm rau ăn vừa làm thuốc chữa bệnh. Là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, bò khai trồng một năm đã cho thu hái. Chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch kéo dài, giá trị kinh tế lại cao, với giá bán từ 40 đến 80 nghìn đồng/kg. Hiện nay, thôn Lũng Cút đã trồng được hơn 30 ha bò khai, với sản lượng rau hơn 60 tấn/năm; có nhiều hộ trồng từ 2 đến 3 ha, mỗi năm cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Lũng Cút, Lưu Anh Tuấn cho biết thêm: "Ðể nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp người dân tiêu thụ ổn định, năm 2019, tôi đã đứng ra thành lập hợp tác xã nông nghiệp thôn Lũng Cút, với 18 thành viên tham gia. Hiện hợp tác xã đã trồng được hơn 10 ha rau bò khai. Ðây cũng là nơi để các thành viên giúp đỡ nhau về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rau. Hơn nữa là liên kết để tìm đầu ra ổn định cho người dân, tránh tình trạng bị thương lái ép giá".
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, Lương Thành Chung thổ lộ: Rau bò khai rất phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều xã có vùng núi đá vôi như: Thượng Cường, Hòa Bình, Gia Lộc... Tổng diện tích rau bò khai toàn huyện đến nay đạt hơn 60 ha. Năm 2020, sản lượng rau bò khai của huyện đạt gần 150 tấn. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, tháng 8-2019, rau bò khai huyện Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện rau bò khai được nhiều khách hàng ưa chuộng và có mặt ở nhiều nhà hàng, quán ăn trong tỉnh và các địa phương khác như: Bắc Ninh, Hà Nội... Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục triển khai việc tập huấn, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm sản phẩm rau bò khai đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Không có điều kiện trồng các loại cây đặc hữu ở vùng núi đá, các huyện: Ðình Lập, Lộc Bình,... lại tập trung phát triển các loại cây bản địa như: sa nhân, ba kích, trà hoa vàng... Ông Triệu Tiến Minh, thôn Ðông Sung, xã Ái Quốc (Lộc Bình) là hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng về trồng. Ông Minh chia sẻ: Nhận thấy giá trị của cây trà hoa vàng, năm 2013, tôi lên rừng đào lấy gốc cây về tự nhân giống để trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả của gia đình. Ban đầu tôi trồng thử nghiệm 300 cây, thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế nên đến nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên khoảng 2 ha (hơn 2.000 cây). Từ cuối năm 2019, tôi ươm cây giống từ quả cây trà hoa vàng để bán cho người dân quanh vùng.
Nhờ phù hợp khi trồng trên đất đồi rừng, dễ trồng, nên sau ba đến bốn năm trồng, cây trà hoa vàng bắt đầu cho thu hoạch, với giá bán từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg hoa trà tươi; 15 triệu đồng/kg hoa trà khô, người dân không lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Trung bình một cây có thể cho thu từ 2 đến 3 kg hoa tươi/vụ (nhiều cây to cho thu từ 5 đến 6 kg). Ðến nay, xã Ái Quốc có hơn 100 hộ trồng cây trà hoa vàng với diện tích khoảng 8 ha...
Tạo chuyển biến mạnh trong thâm canh
Kỹ sư Hoàng Lê Minh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn, nguyên Chủ tịch HÐQT, Giám đốc Công ty Giống lâm nghiệp vùng Ðông Bắc cho biết: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, khí hậu phân mùa rõ rệt. Do sự phức tạp của địa hình miền núi, tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu độc đáo, tạo nên nhiều sinh cảnh cho các loài thực vật rừng tồn tại, trong đó có nhiều loại lâm sản ngoài gỗ (LSNG) hầu như chỉ có ở Lạng Sơn. LSNG trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng bao gồm: Các nguyên liệu có nguồn gốc sinh vật, cung cấp cho các loại tinh dầu như: tinh dầu hồi, dầu sở, long não; các loại hoa quả như: quýt, lê, trám...; cây làm thuốc như: bò khai, rau ngót... được khai thác từ rừng để phục vụ cho con người. Những năm qua, các loại LSNG có thế mạnh của tỉnh tiếp tục được đầu tư phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nông dân, nhất là hoa hồi đạt sản lượng 10 đến 12 nghìn tấn/năm, giá trị sản phẩm năm 2020 đạt khoảng 1.558 tỷ đồng; nhựa thông 25 đến 27 nghìn tấn/năm, năm 2020 giá trị đạt 1.104 tỷ đồng; sản lượng hạt sở đạt hơn 4.000 tấn/năm... Nhiều hộ gia đình thu nhập từ LSNG đạt 50 đến 100 triệu đồng/năm, số hộ thu nhập hơn150 triệu đồng/năm ngày càng tăng.
Ðể nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các loại cây lâm sản, trở thành vùng sản xuất hàng hóa... Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình Hoàng Văn Chiều cho biết: Nhiều xã trong huyện đã và đang tập trung phát triển cây trà hoa vàng, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ðiển hình tại xã Ái Quốc, từ năm 2020 đã thành lập "Tổ liên kết trồng chè hoa vàng xã Ái Quốc", với 10 thành viên tham gia. Mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã tặng hơn 1.000 cây giống trà hoa vàng cho 10 hộ gia đình ở xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) để người dân xóa đói, giảm nghèo.
Ðình Lập thuộc huyện nghèo theo diện 30a của Chính phủ, để giúp người dân giảm nghèo bền vững, vừa bảo tồn, phát triển các giống cây quý, huyện đã xây dựng đề án phát triển vùng cây dược liệu giai đoạn 2016-2020... Việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện, không chỉ tạo việc làm, giúp người dân các dân tộc nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng cho biết: Từ năm 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Lạng Sơn định hướng xây dựng mở rộng vùng dược liệu ba kích tại huyện Ðình Lập lên 680 ha, trong đó trồng mới 355 ha, sản lượng dự tính đạt 3.740 tấn củ tươi. Vùng trồng hồi tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng... với sản lượng trung bình đạt 15.000 tấn/năm. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu trồng dược liệu dưới tán rừng là 500 ha/năm, mở rộng diện tích cây hồi lên 22.150 ha, sản lượng hồi tươi dự tính đạt 57.387 tấn. Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển 16 loài dược liệu, bao gồm 13 loài bản địa như: Ba kích, địa liền, hồi, sa nhân tím...
Tuy việc phát triển các loài cây LSNG ở Lạng Sơn đã được quan tâm, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất, song quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tổ chức liên kết theo chuỗi, chưa hình thành rõ nét phương thức tổ chức sản xuất lâm nghiệp tạo vùng nguyên liệu tập trung ổn định... Ðể phát huy tiềm năng, nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Trong những năm tới, tỉnh sẽ thực hiện quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng; phát triển ngành lâm nghiệp thành ngành sản xuất chủ lực, đóng góp quan trọng vào giảm nghèo bền vững và làm giàu cho người dân sản xuất lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp thông qua tăng năng suất và giá trị rừng trồng theo hướng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thâm canh cây LSNG, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến sản phẩm, thiết lập chuỗi liên kết giữa trồng rừng, chế biến lâm sản và tiêu thụ sản phẩm; quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế và phát huy tốt chức năng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng thông qua phát huy tiềm năng đa dạng của rừng, sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Hùng Tráng/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/lang-son-chu-trong-phat-trien-vung-cay-nguyen-lieu-650565/