Ngày 14/6, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn trong những tháng còn lại.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn
Năm 2021 tổng vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài phân bổ cho các địa phương là hơn 63 nghìn tỷ đồng, trong đó, có hơn 28,7 nghìn tỷ cho các địa phương vay lại để thực hiện các dự án.
Tính đến hết tháng 5/2021, khối lượng giải ngân đạt hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,7%, tỷ lệ giải ngân rất thấp so với cùng kỳ năm 2020 (5 tháng đầu năm 2020 giải ngân 7% kế hoạch vốn). Toàn quốc có tới 37/63 tỉnh chưa giải ngân được.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2021 tỉnh được giao quản lý hơn 583 tỷ đồng. Đến giữa tháng 6/2021 toàn tỉnh đã giải ngân được 49 tỷ đồng tương đương 8,5% kế hoạch và nằm trong nhóm các tỉnh có tỉ lệ giải ngân khá của cả nước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Thảo luận tại hội nghị, các địa phương nêu nguyên nhân khối lượng giải ngân đạt thấp do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nên thiếu chuyên gia, thiết bị của các nhà tài trợ cho dự án tại Việt Nam bị gián đoạn; nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh quy mô; hồ sơn rút vốn của các chủ đầu tư còn nhiều thiếu sót phải làm lại; công tác giải phóng mặt bằng các dự án gặp nhiều khó khăn…
Về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn, các địa phương kiến nghị các bộ, ngành trung ương trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; hỗ trợ địa phương về thủ tục trong thực hiện đàm phán ký hợp đồng các khoản vay; làm tốt hơn cơ chế phối hợp giữa các ban quản lý dự án địa phương với các ban quản lý dự án của các bộ, ngành trong việc thúc đẩy các thủ tục nghiệm thu khối lượng, rút vốn…
Kết luận tại hội nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính nhấn mạnh: Thời gian giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021 không còn nhiều, do vậy các địa phương tập trung cao độ cho việc triển khai thi công các dự án để có khối lượng thanh toán; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ rút vốn đối với các dự án đã đủ điều kiện giải ngân; chủ động điều hòa vốn giữa các dự án để thúc đẩy giải ngân; các sở, ngành chức năng, các ban quản lý dự án phối hợp với các bộ chủ quản trong việc hỗ trợ thúc đẩy triển khai đối với các dự án có khả năng giải ngân trong năm 2021. Nếu các địa phương muốn điều chỉnh giảm nguồn vốn do không có khả năng giải ngân trong năm cần sớm rà soát và có văn bản đề xuất để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân.
Lãnh đạo Bộ Tài Chính đề nghị, các các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện thẩm định dự toán, hồ sơ đối với các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy mô dự án trong những tháng cuối năm do các địa phương đề xuất để thúc đẩy thực hiện dự án và giải ngân thuộc kế hoạch vốn năm 2021.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động rà soát xây dựng kế hoạch vốn dự toán cho các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài trong năm 2022, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để tổng hợp.
TRANG NINH/BAOLANGSON.VN